Cứu thành công bệnh nhi ngừng tim do đuối nước nhờ kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy

Ngày 22/7, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế Hoàng Thị Lan Hương cho biết, đơn vị vừa cho bệnh nhi N.T.T.M (2 tuổi, trú xã Lộc An, thành phố Huế) xuất viện sau gần hai tuần điều trị tích cực vì tai nạn đuối nước ngưng tim tại nhà.

Chú thích ảnh
Khám sức khoẻ cho bệnh nhi trước khi xuất viện. Ảnh: TTXVN phát

Đây là một trong những trường hợp hồi phục kỳ diệu, nhờ can thiệp kịp thời và kỹ thuật chuyên sâu hạ thân nhiệt chỉ huy - phương pháp đang được áp dụng tại các trung tâm hồi sức hiện đại trên thế giới.

Ngày 6/7, bé Minh bị ngã vào hồ cá Koi trong sân nhà, không rõ thời gian ngâm nước. Khi được phát hiện, bé đã hôn mê, tím tái, ngưng thở và không phản ứng. Người nhà lập tức hồi sức tim phổi tại chỗ trong vòng 2 phút. May mắn, bé có cử động trở lại, thở rên yếu và được đưa đến trạm y tế xã, sau đó chuyển khẩn cấp đến Bệnh viện Trung ương Huế.

Tại thời điểm nhập viện, trẻ hôn mê sâu, độ bão hòa oxy trong máu SpO₂ chỉ còn 80% dù đã thở oxy, ran ẩm nặng hai phổi (hội chứng phế quản bị ùn tắc), tiên lượng cực kỳ nặng nề. Các bác sĩ nhanh chóng triển khai điều trị hồi sức tích cực đặt nội khí quản, thở máy, sử dụng kháng sinh, vận mạch và đặc biệt là áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy.

Chú thích ảnh
Bệnh nhi được điều trị, theo dõi tích cực. Ảnh: TTXVN phát

Sau 5 ngày, bé được cai máy thở, đến ngày thứ 7 được chuyển ra khỏi phòng hồi sức. Hiện, bé Minh đã tỉnh táo, đi lại và ăn uống bình thường, không để lại di chứng thần kinh rõ rệt. Đây là kết quả ngoài mong đợi, đem lại sự xúc động cho gia đình và đội ngũ y tế.

Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, hạ thân nhiệt chỉ huy là kỹ thuật điều trị tiên tiến, được sử dụng để giảm nhiệt độ cơ thể có kiểm soát (khoảng 33-34°C) trong 24 - 72 giờ nhằm giảm nhu cầu chuyển hóa của não bộ; ổn định màng tế bào, hạn chế phù não và tổn thương thứ phát do thiếu oxy và ngăn chặn phản ứng viêm lan rộng và bảo vệ chức năng thần kinh lâu dài.

Trường hợp trẻ bị ngạt nước và ngưng tim, dù được cứu sống nhưng nguy cơ di chứng thần kinh rất cao, như co giật, hôn mê kéo dài, chậm phát triển tâm thần vận động. Hạ thân nhiệt chỉ huy giúp tăng khả năng phục hồi não, giảm nguy cơ tàn tật và tử vong muộn.

Chú thích ảnh
Đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế chúc mừng bệnh nhi xuất viện. Ảnh: TTXVN phát

Từ tháng 4 - 6/2025, Khoa Hồi sức Tích cực - Cấp cứu Nhi (Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế) tiếp nhận 10 trẻ bị đuối nước nặng. Tất cả được cứu sống, tuy nhiên đa phần phải đối mặt với di chứng thần kinh nặng nề, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và chất lượng sống.

Mai Trang (TTXVN)
Ghép thận thành công cho bệnh nhi suy thận mạn giai đoạn cuối có đột biến gen
Ghép thận thành công cho bệnh nhi suy thận mạn giai đoạn cuối có đột biến gen

Ngày 7/7, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh thông báo, đơn vị này vừa thực hiện thành công ca ghép thận cho một trẻ em suy thận mạn giai đoạn cuối có đột biến gen ức chế khối u Wilms-1 (WT1).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN