Ca phẫu thuật diễn ra thành công với sự phối hợp chặt chẽ của nhiều chuyên khoa. Đây là bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền nặng, nhiều nguy cơ có thể xảy ra trước, trong và sau phẫu thuật.
Cụ ông N.V.B.P (99 tuổi, ngụ tại tỉnh Sóc Trăng) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ ngày 12/9 với tình trạng đau, sưng nề, hạn chế vận động vùng đùi - háng trái, bàn chân trái đổ ngoài sau khi bị tai nạn trượt té tại nhà.
Qua khám lâm sàng và thực hiện các cận lâm sàng kiểm tra, bác sĩ nhận định bệnh nhân bị gãy liên mấu chuyển xương đùi trái trên cơ địa có nhiều bệnh lý nền nặng: tăng huyết áp - suy tim mức độ nặng, hở van động mạch chủ mức độ nặng, suy thận cấp giai đoạn hồi phục.
Bệnh nhân được hội chẩn bệnh viện với nhiều chuyên khoa: Nội Tim mạch, Nội Hô hấp, Chấn thương chỉnh hình, Gây mê hồi sức, Thận - Thận nhân tạo, Dinh dưỡng… để đánh giá toàn diện các yếu tố nguy cơ, lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp,…
Ngày 20/9, các bác sĩ quyết định phẫu thuật kết hợp xương bằng đinh nội tủy xương đùi trái cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật tiến hành trong 40 phút, tình trạng bệnh nhân được các bác sĩ gây mê theo dõi chặt chẽ, sau phẫu thuật bệnh nhân được theo dõi và điều trị tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình.
Tình trạng hiện tại, bệnh nhân tỉnh, dấu hiệu sinh tồn ổn định, sức khỏe phục hồi tốt, vết mổ khô, được hướng dẫn tập vật lý trị liệu sau khi xuất viện.
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thống Em - Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thông tin: Gãy liên mấu chuyển xương đùi là tình trạng gãy xương ngoài bao khớp, liên quan chặt chẽ đến vấn đề loãng xương và tuổi tác. Quá trình điều trị cần được tiến hành kịp thời để hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải.
Tình trạng gãy liên mấu chuyển xương đùi có thể dẫn đến nhiều triệu chứng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Ở giai đoạn muộn, gãy liên mấu chuyển xương đùi có thể dẫn đến tàn phế suốt đời do xương không liền hoặc quá trình phục hồi chậm. Ngoài ra, người bệnh nằm lâu còn có khả năng đối diện với các bệnh lý nguy hiểm như: viêm phổi, viêm đường tiết niệu, loét các điểm tì… Nhiều trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.
Phần lớn các trường hợp xảy ra do nguyên nhân té ngã. Do đó, việc xây dựng một không gian sống an toàn là điều cần thiết để hạn chế tối đa vấn đề đáng lo ngại này, đặc biệt trong các gia đình có người cao tuổi. Một số giải pháp hữu ích nên áp dụng gồm: sắp xếp đồ đạc gọn gàng, lắp đặt hệ thống ánh sáng đầy đủ, lắp đặt thanh vịn ở những nơi dễ xảy ra té ngã như: cầu thang, phòng tắm; giữ sàn nhà luôn khô, tránh trơn trượt.
Cùng với tuổi thọ trung bình của dân số tăng lên, tình trạng bệnh nhân cao tuổi gặp các vấn đề bệnh lý cần phải xử lý phẫu thuật ngày càng phổ biến trên lâm sàng. Đặc điểm chung của nhóm đối tượng này là chức năng các cơ quan đã bị suy yếu, thường mắc nhiều bệnh nền, nguy cơ xảy ra tai biến, biến chứng trước, trong và sau quá trình phẫu thuật rất cao. Chính vì những yếu tố trên, gia đình người bệnh thường có nhiều băn khoăn mỗi khi cần đưa ra quyết định có nên tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân không. Rất nhiều trường hợp đã từ chối phẫu thuật vì lo lắng bệnh nhân không chịu đựng được cuộc mổ, nguy cơ tử vong trên bàn mổ.
Thành công của ca phẫu thuật này một lần nữa khẳng định năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, đặc biệt là sự phối hợp hiệu quả giữa các chuyên khoa; trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của đội ngũ gây mê hồi sức của bệnh viện. Chính nhờ sự phát triển vượt bậc của đội ngũ Gây mê hồi sức mà các ca mổ, từ đơn giản đến phức tạp như mổ não tỉnh, mổ tim, ghép thận… tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đều đảm bảo sự an toàn cao nhất cho người bệnh.