Hai trường hợp sinh con thành công sau khi phẫu thuật ung thư cổ tử cung

Ngày 23/5, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã thực hiện 20 ca phẫu thuật cắt tử cung bảo tồn sinh sản trong ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật ung thư cổ tử cung cho người bệnh. Ảnh: TTXVN phát

Đây là kỹ thuật mới nhằm bảo tồn chức năng sinh sản cho phụ nữ mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Điều đáng mừng là đã có hai trường hợp sinh con thành công sau khi thực hiện phẫu thuật này.

Bệnh nhân L.N.NP. (34 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) nhập viện với chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn 1A1. Bệnh nhân được phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung vào tháng 7/2023 và cắt cổ tử cung tận gốc vào tháng 8/2023. Sau mổ, bệnh nhân mang thai và được chăm sóc thai kỳ tại một bệnh viện chuyên khoa về phụ sản. Quá trình thai kỳ diễn tiến bình thường, khi thai được 22 tuần, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi may vòng cổ tử cung và không phát hiện bất thường của thai nhi. Ngày 16/4/2024, bệnh nhân được chủ động mổ lấy thai, bé trai nặng 3,4 kg, chào đời an toàn, khỏe mạnh.

Trước đó, chị N.T.T.T. (39 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) cũng được chẩn đoán ung thư cổ tử cung. Sau đó bệnh nhân được thực hiện phẫu thuật cắt tử cung bảo tồn chức năng sinh sản. Gần hai năm sau, chị T. mang thai và sinh được một bé trai khỏe mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ung thư cổ tử cung là bệnh thường gặp và có tỷ lệ tử vong tương đối cao trong tất cả các loại ung thư ở nữ giới, đứng thứ ba sau ung thư vú và ung thư buồng trứng. Ung thư cổ tử cung thường được chẩn đoán ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh có xu hướng hình thành ở tuổi trung niên, với 50% bệnh nhân được chẩn đoán thuộc độ tuổi 35 - 55. Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung đang ngày càng trẻ hóa, ngày càng có nhiều bệnh nhân được phát hiện bệnh ở độ tuổi dưới 30.

Chú thích ảnh
Một sản phụ sinh con sau phẫu thuật cắt cổ tử cung bảo tồn chức năng sinh sản. Ảnh: TTXVN phát

Cách điều trị ung thư cổ tử cung phổ biến nhất hiện nay là phẫu thuật cắt tử cung, hóa xạ trị triệt để. Sau khi điều trị, bệnh nhân sẽ không còn khả năng sinh sản. Tuy nhiên, trước khát khao làm mẹ của các bệnh nhân, từ năm 2018, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai kỹ thuật phẫu thuật cắt ung thư cổ tử cung bảo tồn chức năng sinh sản ở giai đoạn sớm. Đây là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam thực hiện kỹ thuật này.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, không phải trường hợp ung thư cổ tử cung nào cũng có thể điều trị theo phương pháp này. Chỉ những bệnh nhân phát hiện bệnh từ rất sớm, ở giai đoạn 1B1, khi kích thước của bướu còn nhỏ dưới 2cm, đồng thời phù hợp các điều kiện nghiêm ngặt khác mới có thể điều trị theo phương pháp này.

Tính từ năm 2018 đến nay, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện phẫu thuật bảo tồn chức năng sinh sản cho 20 phụ nữ mắc bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm, mang lại cơ hội làm mẹ cho người bệnh.

Đinh Hằng (TTXVN)
Việt Nam có thể 'thanh toán' hoàn toàn ung thư cổ tử cung vào năm 2055
Việt Nam có thể 'thanh toán' hoàn toàn ung thư cổ tử cung vào năm 2055

Việc đầu tư toàn diện vào chương trình tiêm chủng HPV, sàng lọc và điều trị ung thư cổ tử cung có thể mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế và xã hội, đồng thời góp phần loại bỏ căn bệnh này khỏi xã hội Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN