Theo đó, thông tư mới đã bổ sung việc khám chuyên khoa phụ sản đối với lao động nữ kèm theo danh mục và mẫu sổ khám sức khỏe định kỳ theo quy định mới. Sổ khám sức khỏe định kỳ có danh mục tiền sử sản phụ khoa để lưu các thông tin.
Danh mục khám chuyên khoa phụ sản trong khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ được cụ thể hóa trong Thông tư 09/2023/TT-BYT. Đặc biệt trong danh mục này, lao động nữ được sàng lọc ung thư cổ tử cung, phát hiện sớm các tổn thương cổ tử cung bằng ít nhất một trong các kỹ thuật: Nghiệm pháp quan sát cổ tử cung với dung dịch acid acetic; nghiệm pháp quan sát cổ tử cung với dung dịch Lugol; xét nghiệm tế bào cổ tử cung; xét nghiệm HPV; sàng lọc ung thư vú bằng ít nhất một trong các kỹ thuật: khám lâm sàng vú; siêu âm tuyến vú 2 bên; chụp X-quang tuyến vú.
Ngoài ra, lao động nữ được khám phụ khoa và siêu âm tử cung, phần phụ khi có chỉ định của bác sĩ khám.
Hiện nay, Luật An toàn, vệ sinh lao động hiện hành quy định: “Hàng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động” và “Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản”.
Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động nêu rõ: “Khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành”. Nghị định này phân công Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ.
Trước đó, Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 6/5/2013 hướng dẫn khám sức khỏe có ban hành danh mục khám các chuyên khoa nhưng chưa có danh mục khám chuyên khoa phụ sản. Do đó, việc bổ sung như Thông tư 09/2023/TT-BYT rất hữu ích, đảm bảo được quyền lợi của lao động nữ.