Còn nhiều khó khăn trong điều trị bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19

Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 thường đã khó, điều trị cho những trường hợp tâm thần nhiễm bệnh còn khó hơn rất nhiều, vì họ không thể nhận thức được về COVID-19, không biết thực hiện các biện pháp phòng dịch...

Chú thích ảnh
PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế (ngoài cùng bên phải), kiểm tra công tác phòng chống dịch tại một cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần. Ảnh: BYT

Việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 gặp rất nhiều khó khăn vì đây là đối tượng có đặc thù riêng. Tuy nhiên, các y bác sĩ tại các bệnh viện tâm thần vẫn đang nỗ lực hết mình để điều trị cho nhóm bệnh nhân này.

Chia sẻ về thực trạng bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19, PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế); Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết: "Bệnh nhân tâm thần không có đầy đủ nhận thức về mối nguy hiểm do COVID-19 mang lại như người bình thường. Bệnh nhân tâm thần và đặc biệt là những trường hợp mắc COVID-19 không thể tự chăm sóc, bảo vệ bản thân trước bệnh tật. Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 thường đã khó, điều trị cho những trường hợp tâm thần nhiễm bệnh còn khó hơn. Chúng tôi coi họ là những người yếu thế và rất cần sự quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng, xã hội".

Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, vì không có nhận thức nên bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 có thể di chuyển khắp nơi, và khả năng trở thành nguồn lây là rất cao.

Về vấn đề phòng dịch, các  bệnh nhân đặc biệt này thường không tự ý thức thực hiện 5K đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách, hoặc có thể trốn viện ra ngoài bằng nhiều hình thức mà nhân viên y tế khó có thể kiểm soát hoàn toàn. Vì vậy, nếu bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 thì vô tình sẽ làm phát tán bệnh tật cho bệnh nhân tâm thần ở xung quanh và nhân viên y tế.

Bên cạnh đó, việc điều trị những F0 như cho uống thuốc, đeo bình oxy cũng khó thực hiện vì bệnh nhân tâm thần không ngồi yên. Thậm chí các bác sĩ phải cố định bệnh nhân vào giường mới có thể tiến hành chữa trị. Việc đưa bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 chuyển nặng về trung tâm hồi sức cấp cứu khác là không thể, mà phải điều trị tại chỗ. Nhóm bệnh nhân này rất đặc thù nên cần chuẩn bị phương án tối ưu để chăm sóc, điều trị, cách ly riêng biệt.

"Hiện nhân lực làm việc tại các cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần đang thiếu rất nhiều. Bên cạnh đó, chuyên môn về cấp cứu – hồi sức của nhân viên y tế không sâu; vì vậy khi điều trị cho bệnh nhân có những chuyển biến xấu sẽ là một thách thức rất lớn. Ngoài ra, qua kiểm tra một số cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần, trang thiết bị, vật tư y tế cũng đang còn nhiều hạn chế", PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng cho biết.

Trong khi đó, bệnh nhân tâm thần là nhóm bệnh nhân đặc thù nên tất cả mọi vấn đề, từ sinh hoạt đến khám chữa bệnh đều do các y bác sĩ thực hiện. Đa phần bệnh nhân này điều trị dài hạn nên không thể cho người nhà vào chăm sóc, chỉ có nhân viên y tế chăm sóc từ ăn uống, tắm, gội, giặt giũ, cho đến vệ sinh cá nhân… Với các bệnh nhân có tâm lý ổn định thì công tác điều trị, chăm sóc có thể thuận lợi,  còn những trường hợp lên cơn kích động thì rất khó khăn cho nhân viên y tế; đòi hỏi nhân lực và sự xử trí nhanh của y bác sĩ.

Trước thực trạng trên, việc đảm bảo phòng dịch, đáp ứng các tình huống khi có người bệnh tâm thần mắc COVID-19 là vô cùng quan trọng.

Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, rất cần chú trọng đến vấn đề tiêm vaccine COVID-19 cho bệnh nhân tâm thần. Các cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần và đặc biệt tại những nơi đã xuất hiện ca nhiễm cũng nên thành lập các khoa hồi sức - tích cực, phòng trường hợp số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 tăng cao. Bên cạnh đó, cần đào tạo thêm cho nhân viên y tế các kỹ năng phòng chống và điều trị bệnh COVID-19. Trang bị, bổ sung các thiết bị, vật tư y tế như máy thở, bình oxy, thuốc, xét nghiệm... Ưu tiên dùng thuốc điều trị COVID-19 đối với những bệnh nhân tâm thần mắc bệnh. Cơ sở nào có nguy cơ tăng số lượng ca nhiễm, phải có sự hỗ trợ về nhân lực từ các bệnh viện khác như bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa.

Về vấn đề phòng bệnh, cần cách ly tuyệt đối những nhân viên và bệnh nhân dương tính; tăng cường quản lý bệnh nhân bằng hệ thống camera; thực hiện tốt quy định 5K và điều trị tại chỗ.

Về vấn đề tiêm vaccine phòng COVID-19 cho bệnh nhân tâm thần, theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, điều này vẫn đang được cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Theo đó, trong thời điểm dịch bệnh vẫn diễn biến rất căng thẳng, bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 rất cần được tiêm chủng phòng bệnh. Tuy nhiên hiện chưa có quy định pháp lý nào về việc tiêm vaccine cho bệnh nhân tâm thần. Bên cạnh đó, mặc dù các bệnh viện chuyên khoa tâm thần vẫn có thể thực hiện khám sàng lọc trước tiêm cho bệnh nhân, nhưng các bệnh tiềm ẩn, phức tạp sâu thì khó có thể phát hiện.

PV
Vì từng hơi thở của bệnh nhân COVID-19 
Vì từng hơi thở của bệnh nhân COVID-19 

“Mỗi đường link buồn về tình hình dịch bệnh, mỗi bức ảnh đau thương hiển thị… chúng tôi lại bảo nhau cố gắng hơn, mạnh mẽ hơn. Thời gian tính bằng sinh mệnh nên không đủ chỗ cho nỗi buồn, nước mắt…”, nhà báo Trần Mai Anh - người mẹ của “chú lính chì” Thiện Nhân từng làm chấn động xã hội ngay từ khi còn đỏ hỏn, trải lòng với phóng viên báo Tin tức về Chiến dịch “Giữ từng nhịp thở” của Quỹ Hạt vừng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN