Đây được xem là "bước ngoặt" tiềm năng trong cuộc chiến chống tình trạng suy giảm trí nhớ ở người già.
Hiện có khoảng 50 triệu người sống chung với bệnh Alzheimer, một chứng thoái hóa não "đóng góp" tới hơn 50% số trường hợp bệnh nhân mất trí nhớ trên toàn cầu. Tuy chưa nắm được cơ chế chính xác gây ra căn bệnh này, nhưng các nhà khoa học cho rằng bệnh Alzheimer dường như là kết quả của sự tích tụ các protein trong não, có thể khiến các tế bào thần kinh bị chết đi.
Một số protein này có thể theo dõi được trong máu của bệnh nhân và những xét nghiệm về mật độ protein có thể được sử dụng để chẩn đoán bệnh. Trong báo cáo đăng trên tạp chí Nature Aging, các nhà khoa học khẳng định phương pháp xét nghiệm máu có thể được sử dụng để chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh Alzheimer từ nhiều năm, trước khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng.
Các nhà khoa học đã mô tả cách họ phát triển nghiên cứu này, cũng như những mô hình rủi ro đơn lẻ đã được xác thực dựa trên mật độ của hai loại protein quan trọng trong các mẫu máu được lấy từ hơn 550 bệnh nhân có sự suy yếu không đáng kể về mặt nhận thức.
Mô hình dựa trên hai loại protein này thành công tới 88% trong việc chẩn đoán sự khởi phát của bệnh Alzheimer ở cùng một nhóm bệnh nhân trong quá trình theo dõi dài 4 năm. Theo các nhà khoa học, tuy vẫn cần nghiên cứu thêm, nhưng phương pháp chẩn đoán của họ có thể có tác động đáng kể đến các trường hợp bệnh Alzheimer, do "chỉ dấu sinh học huyết tương" từ các xét nghiệm máu "là đầy hứa hẹn, do khả năng tiếp cận cao và chi phí thấp".
Ông Richard Oakley - trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Hiệp hội Bệnh Alzheimer - cho biết mấu chốt trong cuộc chiến chống lại bệnh Alzheimer là chẩn đoán bệnh đủ sớm để có thể can thiệp với các phương pháp điều trị thử nghiệm. Ông cho biết: "Nếu những chỉ dấu sinh học trong máu này có thể dự đoán bệnh Alzheimer ở một nhóm đối tượng quy mô lớn hơn, đa dạng hơn, chúng ta có thể thấy một cuộc cách mạng trong cách chúng tôi thử nghiệm các loại thuốc mới để điều trị bệnh mất trí nhớ".