Theo các chuyên gia, virus có thể lây nhiễm nếu các hành khách ở trong bán kính 1m từ chỗ người có biểu hiện nhiễm bệnh. Trên máy bay, nguy cơ này thấp hơn do không khí trong khoang được lưu thông qua các máy lọc được thiết kế để loại bỏ virus và vi trùng, trong khi các dịch nhầy từ đường hô hấp sẽ rơi xuống sàn theo hướng của luồng không khí.
Giáo sư Yasuhiro Kanatani thuộc Đại học Tokai, chuyên gia về y tế công, đánh giá mức độ đông đúc sẽ ảnh hưởng lớn để nguy cơ lây nhiễm. Một ví dụ điển hình là khi các hành khách trên xe buýt du lịch sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao do họ đi cùng nhau trong thời gian dài.
Cuối tháng 1 vừa qua, một hướng dẫn viên du lịch tại tỉnh Osaka đã bị phát hiện nhiễm virus, cùng với một tài xế người Nhật Bản sau khi đi chung xe vài ngày với các du khách Trung Quốc tới từ Vũ Hán.
Mới đây nhất, 9 hành khách và 1 thủy thủ trên tàu "Diamond Princess" đã có kết quả dương tính với virus. Hiện con tàu chở 3.700 hành khách này đang bị cách li ngoài vùng biển của Yokohama, sau khi một hành khách 80 tuổi từ Hong Kong (Trung Quốc) bị phát hiện nhiễm virus.
Do đó, để ngăn ngừa sự lây lan của virus trên tàu hỏa và xe buýt, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân tránh di chuyển vào giờ cao điểm, cố gắng làm việc từ xa nếu có thể. Những người bị họ và hắt hơi cần phải đeo khẩu trang. Giáo sư Kanatani nhấn mạnh mọi người không nên vô ý chạm vào mũi, miệng và mắt khi rời khỏi phương tiện công cộng. Trong khi đó, Bộ Y tế Nhật Bản cũng đang hối thúc việc khử trùng kỹ lưỡng bằng cồn.
Tính đến nay, số ca nhiễm bệnh được xác nhận tại Nhật Bản đã lên tới 35 người.