Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định xu hướng tất yếu của chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, là yêu cầu bắt buộc của các quốc gia muốn tăng cường phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển tiến bộ xã hội và phát triển thịnh vượng. Y tế là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên để chuyển đổi số. Đây là động lực phát triển của ngành Y tế phục vụ cho sự phát triển của kinh tế xã hội nói chung.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhận định, trong chuyển đổi số, vấn đề từ nhận thức chuyển sang hành động rất quan trọng, quyết định việc ưu tiên nguồn lực, con người và tổ chức triển khai thực hiện. Bộ Y tế xác định, đẩy mạnh chuyển đổi số là chủ chương lớn, là hướng đi tất yếu và đáp ứng tình hình hiện nay. Mục tiêu đến năm 2030, chuyển đổi số sẽ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời và hiệu quả. Đồng thời, chuyển đổi số sẽ phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Bộ Y tế được rõ ràng, minh bạch, đáp ứng được nhu cầu nhanh chóng và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội.
Bộ trưởng Bộ Y tế điểm qua những kết quả chuyển đổi số mà ngành Y tế đạt được trong thời gian qua đã góp phần mang lại nhiều đổi mới cho ngành y tế như: Giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe của người dân và doanh nghiệp; giảm chi phí thời gian trong việc đi lại; quản lý hồ sơ, khám, xét nghiệm điều trị thông qua bệnh án điện tử… Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, của Chính phủ về việc triển khai Đề án 06 về chuyển đổi số y tế thì kết quả ngành Y tế đạt được vẫn còn hạn chế.
Nguyên nhân là do những vướng mắc về cơ sở pháp lý để thúc đẩy vấn đề chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo chưa phù hợp; Cơ sở hạ tầng trong ứng dụng công nghệ thông tin chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu ngành y tế quản lý; Nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số cho y tế còn rời rạc, chưa liên thông; Vấn đề về đảm bảo an ninh mạng và định hướng lớn về công nghệ thông tin, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ.
Để thực hiện chuyển đổi số y tế, trong tương lai gần, Bộ Y tế sẽ phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số, bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan nhà nước, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao theo quy định của pháp luật để triển khai Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, Bộ cũng sẽ xây dựng và phê duyệt hồ sơ đề cấp đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin và thực hiện các phương án đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng theo quy định của pháp luật; tạo lập kho dữ liệu số ngành Y tế đáp ứng các yêu cầu về kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin và dữ liệu…
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chỉ đạo thực hiện các giải pháp, phương án kỹ thuật phát triển hạ tầng số y tế của địa phương; xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành (khám, chữa bệnh, y tế dự phòng, nhân lực, thiết bị y tế, dược) phù hợp định hướng phân cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương để phát triển. Các đơn vị hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, ứng dụng các công nghệ số để khai thác dữ liệu hiệu quả phục vụ chuyển đổi số y tế trên cơ sở lấy người dân là làm trung tâm, lấy nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử là cốt lõi để tập trung số hóa dữ liệu sức khỏe của người dân. Đồng thời, các đơn vị chú trọng triển khai các giải pháp đồng bộ để đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng.
Trong chương trình hội nghị, đại diện các đơn vị cũng giới thiệu các Nền tảng số y tế như: Nền tảng Hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa và Nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử; Đánh giá kết quả triển khai các nền tảng, các nhiệm vụ về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng đáp ứng yêu cầu trong công tác chuyển đổi số y tế; Giới thiệu về tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware), khóa tập huấn an toàn thông tin ngành y tế...