Cán bộ y tế hướng dẫn người dân đổ dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN |
Theo đó, Sở Y tế Khánh Hòa chủ động dự trữ, phân phối vật tư, trang thiết bị, thuốc và hóa chất; thiết lập khu vực cách ly, đội cơ động phòng, chống dịch, đội cấp cứu, điều trị cơ động phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Các đơn vị y tế dự phòng địa phương chủ động phun thuốc diệt muỗi dựa trên chỉ số côn trùng trong môi trường một lần/tuần đối với những khu vực có nguy cơ mắc và lây nhiễm cao; 2 tuần/lần đối với những địa phương có chỉ số côn trùng cao; một lần/tháng đối với những địa phương còn lại theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Vào tháng 3 tới, Sở Y tế Khánh Hòa phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang triển khai thí điểm dự án thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia để phòng sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika. Theo đó, mỗi tuần, dự án này sẽ thả khoảng 1.000 con muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia tại các khu vực thuộc của thành phố Nha Trang trong thời gian khoảng 12 - 18 tuần nhằm giảm số lượng muỗi vằn tự nhiên truyền bệnh, phòng sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika.
Ủy ban nhân dân cấp xã, huyện, những nơi được ghi nhận có số ca mắc sốt xuất huyết cao trên địa bàn tỉnh tổ chức các chiến dịch ra quân, phát động tổng vệ sinh diệt lăng quăng; đồng thời kêu gọi người dân thực hiện trong các khu vực dân cư.
Ông Lê Tấn Phùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, năm 2016, tỉnh có hơn 5.000 ca mắc sốt xuất huyết, giảm mạnh so với trên 9.000 ca của năm 2015.