Nhân viên y tế và cán bộ tổ dân phố giám sát véc tơ tại các điểm có nguy cơ cao và tuyên truyền cho người dân vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh tại phường Hồng Bàng (Hải Phòng). Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Tại Hải Phòng, hiện chỉ còn 3 quận, huyện là Dương Kinh, Đồ Sơn, Bạch Long Vỹ chưa ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết nào.
Ngành y tế Hải Phòng tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm sốt xuất huyết hàng ngày và tham mưu để UBND thành phố Hải Phòng ban hành công điện khẩn về phòng chống sốt xuất huyết trong ngày 1/8.
Theo đó, lãnh đạo các địa phương cần quan tâm, chủ động phòng chống sốt xuất huyết. Đài Truyền hình Hải Phòng, các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố, hệ thống đài phát thanh huyện, quận, xã, phường tích cực truyền thông các kiến thức về vệ sinh phòng dịch.
Ngành y tế Hải Phòng tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ tại các cơ sở khám chữa bệnh; cung cấp trang thiết bị, phương tiện, vật tư, hóa chất, sẵn sàng tổ chức, thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp mắc bệnh tử vong. Các Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp các ngành chức năng tổ chức phun thuốc diệt muỗi, loăng quăng - nguồn gây bệnh chủ yếu đối với bệnh xuất huyết tại các khu vực ao, hồ; khuyến nghị người dân dùng màn khi ngủ để tránh muỗi đốt.
Thái Bình gia tăng số ca mắc sốt xuất huyếtTheo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thái Bình, từ đầu năm đến nay tỉnh đã ghi nhận 139 ca mắc sốt xuất huyết. Dự báo thời gian tới, con số này sẽ tiếp tục tăng.
Bác sỹ khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình) khám bệnh cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Công Hải/TTXVN |
Ông Phạm Hữu Thắng, Trưởng khoa Dịch tễ (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thái Bình) cho biết: Chỉ tính riêng trong tháng 7/2017 toàn tỉnh đã ghi nhận 96 ca mắc sốt xuất huyết. Các huyện Thái Thụy, Hưng Hà, Kiến Xương và Vũ Thư là những địa phương có nhiều ca mắc sốt xuất huyết. Hiện tỉnh đã xuất hiện hai ổ dịch nội sinh tại xã Thụy Xuân (huyện Thái Thụy) và xã Đoan Hùng (huyện Hưng Hà).
Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức giám sát chặt chẽ các ca bệnh, côn trùng gây bệnh; hướng dẫn cơ sở phun hóa chất diệt côn trùng tại các ổ dịch; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các biện pháp phòng chống, chủ động vệ sinh môi trường, hạn chế phát sinh và lây lan mầm bệnh.
Tại Khoa truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình), nhiều bệnh nhân đang điều trị, chủ yếu là những người chuyển từ Hà Nội về... Chị Nguyễn Thị Mai Sao (xã Phú Lương, huyện Đông Hưng) sau khi từ Hà Nội trở về ngày 21/7 bắt đầu có biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, sau đó xuất huyết dưới da, buồn nôn. Sau khi điều trị tại Trạm y tế xã và bệnh viện tuyến dưới không hiệu quả, chị được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị.
Bác sỹ chuyên khoa I, Trưởng khoa Truyền nhiễm Nguyễn Trung Tuyến cho biết: Nhiều năm qua sốt xuất huyết rải rác xuất hiện, tuy nhiên năm 2017, bệnh có nhiều diễn biến phức tạp với số lượng nhiều ca trong cùng thời điểm. Điển hình từ đầu tháng 7/2017, có ngày hơn 20 bệnh nhân nhập viện điều trị sốt xuất huyết.
Cao điểm là ngày 29 và 30/7, Khoa tiếp nhận 60 ca bệnh. Đến nay, Khoa đã chuyển tuyến điều trị cho hai bệnh nhân nặng. Đáng lưu ý các ca bệnh điều trị tại khoa đều đi từ vùng có dịch về, chủ yếu là học sinh, sinh viên, người lao động từ Hà Nội về. Đến ngày 1/8, Khoa đang tiếp nhận và điều trị cho 29 bệnh nhân sốt xuất huyết. Đa số sức khỏe các bệnh nhân đã ổn định.
Để đảm bảo cơ sở vật chất, phục vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân sốt xuất huyết trong thời kỳ cao điểm của bệnh, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình) đã bổ sung thêm 20 giường bệnh, nâng tổng số lên 70 giường bệnh; đồng thời huy động cán bộ, y bác sỹ tại khoa tăng thời gian làm việc, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân.