Chia sẻ kinh nghiệm thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19

Ngày 18/10, tại tỉnh Cà Mau, đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã có buổi làm việc, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thu dung và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại địa phương.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ kinh nghiệm với lãnh đạo tỉnh Cà Mau.

Sau quá trình khảo sát, tìm hiểu tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đại diện đoàn công tác Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định, thời gian qua, Cà Mau được đánh giá là tỉnh kiểm soát dịch tốt, số ca lây nhiễm trong cộng đồng thấp. Tuy nhiên, gần đây số lượng người Cà Mau từ các tỉnh ngoài về địa phương gia tăng dẫn đến số lượng F0 trên địa bàn tỉnh tăng đột biến. Theo điều kiện thực tế, tỉnh cần xây dựng kịch bản ứng phó với cấp độ dịch từ mức độ thấp đến trung bình. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh cần nâng cấp trang thiết bị để tăng tầng suất xét nghiệm PCR/ngày. Đồng thời đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ một số thuốc điều trị kháng virus, thuốc kháng đông… trang bị thêm đồ bảo hộ, khẩu trang đúng chuẩn theo quy định. Trong tình huống đồ phòng hộ thiếu, cần phân loại vùng nguy cơ phơi nhiễm để phân bổ sử dụng phòng hộ đảm bảo sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Dựa trên mô hình “tháp 3 tầng” điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, hiện 14 bệnh viện trên địa bàn tỉnh đáp ứng công tác thu dung và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tầng 1 là điều trị cho bệnh nhân triệu chứng nhẹ, hoặc không triệu chứng. Tuy nhiên, cần tính toán nâng cấp, dự trù thêm số giường, trang thiết bị điều trị cho bệnh nhân lên tầng 2 điều trị các trường hợp có triệu chứng trung bình, bệnh nền hoặc tầng 3 là điều trị cho bệnh nhân nặng và nguy kịch. Lưu ý, trang bị máy thở chức năng cao, máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2, lắp đặt thêm hệ thống khí oxy trung tâm, đặc biệt các bình oxy nhỏ để thuận tiện trong việc di chuyển cấp cứu. Quản lý bệnh nhân trên phần mềm theo các nhóm nguy cơ; kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy (giữa) nêu một số hạn chế về nhân lực, vật lực trong công tác thu dung điều trị của Cà Mau. 

Bác sĩ Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, Trưởng đoàn công tác cho rằng, hiện tỉnh có 14 bệnh viện có khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, với khoảng 1.990 bệnh nhân F0. Về phân tầng điều trị của các bệnh viện, tỉnh có 130 giường của tầng 3 nhưng thực tế chỉ có 110 giường để đáp ứng tiêu chuẩn hệ thống tầng 3. Về 330 giường ở tầng 2 thì tiêu chuẩn quy định là phải có hệ thống oxy lỏng, oxy trung tâm; nhưng ở các bệnh viện tuyến huyện thì hiện chưa có.

Cũng theo bác sỹ Trần Thanh Linh, nếu xây dựng kịch bản ở mức độ thấp thì số giường ở tầng 1 tối thiểu 1.194 giường, tầng 2 là 134 giường và tầng 3 là 62 giường. Còn mức độ dịch ở trung bình thì số giường bệnh tầng 1 của chúng ta ít nhất là 2.508 giường, tầng 2 là 401 và tầng 3 là 186 giường. Hiện nay, theo đánh giá chung của chúng ta là mức độ thấp đến trung bình, như vậy công suất chuẩn bị cho số giường tầng 2 và tầng 3 của tỉnh bắt buộc phải nâng cấp.

Bên cạnh đó, đoàn công tác cho rằng về cơ sở hạ tầng, tỉnh cần triển khai tốt việc xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng tại các bệnh viện dã chiến. Về các bệnh viện có tầng 2 thì đoàn đề nghị nâng cấp hệ thống oxy. Tại bệnh viện phải phân luồng tạo điều kiện có thể phẫu thuật cho bệnh nhân COVID-19.

Đoàn công tác cũng đề nghị, hiện nay thiếu rất nhiều máy thở oxy dòng cao HFNC, toàn tỉnh chỉ có 6 máy. Với số lượng này thì quá thấp, tỉnh cần chú ý có phương án dự trù bổ sung thiết bị. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tầm soát nhân viên y tế tham gia điều trị bệnh; tăng cường quản lý bệnh nhân theo hướng nguy cơ, nhằm phát hiện sớm và dễ dàng phân tầng cho bệnh nhân…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau nêu thực tế, kinh nghiệm điều trị ca mắc COVID-19 nặng ở Cà Mau là chưa nhiều. Chính vì vậy, ngành y tế mong muốn có thêm buổi tập huấn; trong đó có những cảnh báo, đánh giá nguy cơ trong điều trị để điều chuyển bệnh nhân cho phù hợp. Bên cạnh đó là kinh nghiệm trong việc sử dụng các loại thuốc cho bệnh nhân.

Chú thích ảnh
Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (giữa) cám ơn sự hỗ trợ của đoàn cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ghi nhận đánh giá cao ý kiến đóng góp, chia sẻ từ phía đoàn công tác Bệnh viện Chợ Rẫy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải mong muốn, đoàn công tác Bệnh viện Chợ Rẫy tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ ngành y tế tỉnh trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Đặc biệt, việc phân loại đánh giá, sắp xếp phân tầng điều trị cho bệnh nhân COVID-19; định hướng phác đồ điều trị chuyển tầng kịp thời đối với trường hợp chuyển nặng; hướng dẫn cách sử dụng các loại thuốc kháng virus, thuốc chống kháng đông đảm bảo an toàn, phù hợp với từng bệnh nhân; chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện các quy trình phòng, chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện.

“Các ngành, đơn vị cần nghiên cứu xây dựng phương án để tập trung đầu tư ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi (bệnh viện dã chiến số 3) về hệ thống trang thiết bị, nhân lực để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Sở Y tế giao bộ phận chuyên môn làm kế hoạch tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có phòng và điều trị bệnh theo kịch bản mức độ nguy cơ; trong đó nêu cụ thể về trang thiết bị, nhân lực đáp ứng”, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh, đồng thời lưu ý hiện đội ngũ y, bác sỹ và điều dưỡng còn nhiều lúng túng trong điều trị COVID-19. Do đó, Sở Y tế nhanh chóng lập danh sách tổ chức tập huấn trực tuyến cho đội ngũ y tế của các bệnh viện trên địa bàn, kể cả các bệnh viên tư nhân, đội ngũ tình nguyện viên, lực lượng y tế trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch; khẩn trương xây dựng kế hoạch tổng thể về phòng chống, ứng với từng cấp độ kịch bản cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch đề xuất đầu tư trang bị thêm hệ thống oxy, đặc biệt là oxy lỏng tại Bệnh viện dã chiến số 3 (Bệnh viện Lao và bệnh Phổi) đảm bảo công tác điều trị cho bệnh nhân nặng tầng 2, tầng 3.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của đoàn công tác Bệnh viện Chợ Rẫy, tính toán phương án bố trí phân luồng khu tiếp nhận thu dung điều trị bệnh nhân, khu vực nhân viên y tế đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, dự trù bố trí các phòng phẫu thuật, phòng sinh… cho bệnh nhân mắc COVID-19 trong các trường hợp cần thiết. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt trạm y tế lưu động tại các xã, phường nhanh chóng triển khai việc mua túi thuốc cấp cứu, túi thuốc gia đình đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng khi cần thiết…

Tin, ảnh: Huỳnh Anh (TTXVN)
Bệnh viện Trung ương Huế ở lại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng
Bệnh viện Trung ương Huế ở lại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng

GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, toàn bộ lực lượng y tế tham gia điều trị ca bệnh nặng của Bệnh viện Trung ương Huế sẽ ở lại TP Hồ Chí Minh đến cuối năm 2021 để cùng ngành y tế Thành phố phòng chống dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN