Cần Thơ: 98,3% người mắc HIV không còn khả năng lây nhiễm cho người khác

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ, ước tính đến ngày 31/12/2024, toàn thành phố ghi nhận 5.592 người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV.

Chú thích ảnh
Hoạt động tư vấn cho học sinh, sinh viên. 

Trong số đó, 98,3% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, tức là không còn khả năng lây nhiễm HIV cho người khác. Đây là những nỗ lực rất lớn trong công tác điều trị ARV của ngành Y tế Cần Thơ.

Trong Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về AIDS tại Paris (Pháp), các nhà khoa học chỉ ra rằng, một người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) khi đạt tải lượng virus ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục rất thấp, từ không đáng kể đến không có nguy cơ. Tải lượng virus không phát hiện được định nghĩa là khi có dưới 200 bản sao/ml máu. Nghĩa là, một người nhiễm HIV được điều trị ARV khi có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ bảo vệ sức khỏe cho người sống chung, ngăn ngừa lây nhiễm HIV sang bạn tình.

Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ cũng khuyến cáo, tùy thuộc vào loại thuốc điều trị, có thể phải mất đến 6 tháng để đạt mức tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện. Tải lượng HIV được ức chế liên tục đòi hỏi người bệnh phải được sử dụng loại thuốc phù hợp, tuân phác đồ thủ điều trị tốt. Việc đo tải lượng HIV cần được theo dõi định kỳ để đảm bảo lợi ích sức khỏe người bệnh và sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, tải lượng virus HIV không phát hiện được chỉ ngăn ngừa lây truyền bệnh HIV sang các bạn tình chứ không phòng được các bệnh khác lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai… Trung tâm khuyến cáo nên sử dụng bao cao su nếu người dùng có mong muốn ngăn ngừa lây truyền HIV cũng như các bệnh lây qua đường tình dục, phòng có thai ngoài ý muốn. 

Đặc biệt, người nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa và dịch tăng rõ rệt trong nhóm MSM (nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới), nhóm chuyển giới nữ. Lây truyền HIV qua quan hệ tình dục đã trở thành đường lây truyền chính. Thanh niên, sinh viên trong các trường đại học là nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong giai đoạn vừa qua. Đây cũng là một nhóm đối tượng cần ưu tiên trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Chú thích ảnh
Hoạt động tư vấn cho học sinh, sinh viên. 

Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) như Glink, S-Đỏ… triển khai tư vấn, xét nghiệm, chuyển điều trị ARV và dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho nhóm người nguy cơ cao, mang lại hiệu quả khả quan. Qua đó, đảm bảo nhóm đích hiểu rõ “tải lượng virus không phát hiện” chỉ có ý nghĩa dự phòng với lây truyền HIV qua đường tình dục. Đặc biệt lưu ý là, người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế vẫn phải sử dụng bơm kim tiêm sạch, không dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích.

Cần Thơ hiện có 6 cơ sở y tế điều trị ARV cho người lớn và một cơ sở điều trị cho trẻ em. Người nhiễm HIV được bảo hiểm y tế thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh, 20% còn lại được các dự án quốc tế và Trung ương hỗ trợ. Một số xét nghiệm mà bảo hiểm y tế không chi trả cũng được các dự án hỗ trợ.

Tin, ảnh: Ánh Tuyết (TTXVN)
Cần Thơ ưu tiên các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên
Cần Thơ ưu tiên các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên

Ngành Y tế Cần Thơ triển khai tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS đến cộng đồng, các nhóm đối tượng đích, hướng tới kết thúc bệnh AIDS vào năm 2030. Đặc biệt thông qua các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO), chiến dịch diễn ra ở trường học mang lại hiệu quả cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN