Cần Thơ ưu tiên các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên

Ngành Y tế Cần Thơ triển khai tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS đến cộng đồng, các nhóm đối tượng đích, hướng tới kết thúc bệnh AIDS vào năm 2030. Đặc biệt thông qua các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO), chiến dịch diễn ra ở trường học mang lại hiệu quả cao.

Anh Phạm Trương Kim Dương, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Glink Cần Thơ (Phòng khám Điều trị HIV/AIDS Glink Cần Thơ giúp cộng đồng dự phòng và điều trị HIV - CBO Glink Cần Thơ) cho biết: Năm 2024, Glink Cần Thơ đã tổ chức nhiều đợt truyền thông về kiến thức phòng, chống HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản, an toàn tình dục… cho học sinh, sinh viên 12 trường cao đẳng, đại học; 8 trường trung học phổ thông; 10 trường trung học cơ sở ở thành phố. Đồng thời, Glink thực hiện 2 lớp tập huấn cho giáo viên các trường về phòng, chống HIV, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em…

Tham gia đợt tuyên truyền ngày 24/10/2024, bạn N.M.T (Trường Trung học Phổ thông Thốt Nốt, quận Thốt Nốt) cho biết, em đã học được nhiều nội dung thiết thực và bổ ích, giúp em nhận biết rõ những mối nguy hại, nguồn lây, cách thức lây truyền HIV. Đồng thời, em và các bạn đã gạt bỏ được định kiến về người nhiễm HIV. Bởi vì hiện nay có nhiều cách giúp cộng đồng chung sống khỏe mạnh cùng người bệnh, pương pháp điều trị để giúp người bệnh không trở thành nguồn lây.

Trước đó, vào tháng 4/2024, các nhóm tổ chức dựa vào cộng đồng S-Đỏ, Glink Cần Thơ thực hiện giao lưu, trao đổi kiến thức về các biện pháp dự phòng, tự xét nghiệm HIV tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ. Bạn trẻ H.T.P chia sẻ, các hoạt động này giúp nâng cao hiểu biết về HIV/AIDS, xét nghiệm, tự xét nghiệm, dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), chủ động phòng ngừa, kiểm tra HIV định kỳ, xóa bỏ sự kỳ thị với những người sống chung với HIV.

Là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trọng yếu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ hiện có gần 38.000 sinh viên theo học. Do đó, ngành Y tế chú trọng tuyên truyền, xây dựng mạng lưới tư vấn viên tại điểm cho trường. Từ năm 2017, với sự hỗ trợ của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ), Trường Ðại học Cần Thơ thành lập Nhóm tiếp cận viên phòng, chống HIV/AIDS gồm 6 sinh viên.

Các em được tập huấn, hỗ trợ, hướng dẫn triển khai hoạt động truyền thông, tư vấn xét nghiệm, chuyển gửi điều trị... Ðến nay, nhóm có 16 thành viên. Trong năm 2024, nhóm tiếp tục truyền thông HIV/AIDS, cấp phát hơn 100.000 bao cao su, hơn 105.000 gel bôi trơn cho 5.200 khách hàng; tiếp cận, xét nghiệm và chuyển gửi qua trang web: tuxetnghiem.vn hơn 1.100 khách hàng, chuyển gửi điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho hơn 300 khách hàng.

Tương tự, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đã chủ động phối hợp với Sở Y tế, các tổ chức dựa vào cộng đồng để thành lập Ðội tiếp cận viên. Năm 2024, Đội đã tổ chức 28 cuộc truyền thông với 1.285 sinh viên, phát 3.855 hộp bao cao su và 315 hộp gel bôi trơn. Ðội có bàn tư vấn tại trường, tư vấn cá nhân 1+1, tuyên truyền qua nhiều hình thức như: poster, phát thanh, fanpage, livestream (mời chuyên gia), hội thi, sự kiện truyền thông…

Thạc sĩ Dáp Thanh Giang (Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ) cho biết, thành phố đã và đang triển khai hiệu quả nhiều mô hình truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV trong trường học. Các hoạt động này giúp học sinh, sinh viên tiếp cận và kết nối các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS từ dự phòng, can thiệp giảm hại, xét nghiệm HIV, điều trị...

Các nhân viên tiếp cận cộng đồng giới thiệu dịch vụ qua mạng xã hội Zalo, Facebook…, cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV qua 2 hình thức. Nhân viên tiếp cận cộng đồng thực hiện hoặc hướng dẫn khách hàng thực hiện; khách hàng tự thực hiện xét nghiệm HIV tại nhà, báo cho nhân viên tiếp cận cộng đồng tư vấn các bước tiếp theo. Mô hình này được đánh giá hiệu quả vì tính thân thiện, miễn phí, bảo mật với nhóm nguy cơ cao, ngại đến cơ sở y tế xét nghiệm.

Không chỉ đẩy mạnh xét nghiệm HIV trong cộng đồng, Cần Thơ còn là 1 trong 3 tỉnh, thành phố thí điểm triển khai cung cấp bộ dụng cụ tự xét nghiệm HIV qua trang web: https://tuxetnghiem.vn nhằm tăng tỷ lệ người có nguy cơ cao được xét nghiệm HIV.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ thông tin, từ ca nhiễm HIV được phát hiện đầu tiên vào năm 1991, đến nay, lũy tích số người nhiễm HIV ở thành phố là 7.732 người; trong đó, số tử vong là 2.782 người, còn sống là 4.950 người. Nhờ triển khai nhiều hoạt động truyền thông, trong đó hướng tới học sinh, sinh viên thông qua sự hỗ trợ đắc lực của các nhóm tổ chức dựa vào cộng đồng, số ca nhiễm HIV phát hiện mới những năm gần đây có xu hướng giảm rõ rệt.

Ánh Tuyết (TTXVN)
Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1/12: 'Đảm bảo quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe''
Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1/12: 'Đảm bảo quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe''

Số ca mắc và tử vong do bệnh AIDS trên toàn cầu đã giảm mạnh trong những năm qua, đánh dấu bước tiến đầy ấn tượng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh nguy hiểm này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN