Ngày 29/11, tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12) năm 2024 do Bộ Y tế tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: "Chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay là “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”; là thông điệp thể hiện sự nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử".
Đến nay, Việt Nam đã có 34 năm triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS, với mục tiêu giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của những người bệnh HIV/AIDS.
Chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức trong và ngoài nước, trở thành một trong những điểm sáng về hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại khu vực và toàn cầu.
Bộ Y tế đã cùng các địa phương trên cả nước triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện, cung cấp đầy đủ các dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS; mở rộng độ bao phủ chương trình.
Chương trình dự phòng, can thiệp giảm hại đã triển khai rộng khắp cả nước như: Phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Tính từ đầu năm 2024 đến hiện tại, đã có gần 70.000 người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Đặc biệt, trong năm 2023 Việt Nam là quốc gia dẫn đầu Châu Á – Thái Bình Dương về số người được điều trị PrEP, giúp kiểm soát được 98% người sử dụng tránh được nguy cơ lây nhiễm HIV.
Chương trình tư vấn và xét nghiệm HIV được triển khai từ cơ sở y tế đến cộng đồng với nhiều mô hình đa dạng, hàng năm cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV cho khoảng hơn 2 triệu lượt người, phát hiện khoảng 11.000 trường hợp nhiễm HIV.
Về tình hình điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, đến nay, toàn quốc đã có gần 183.000 bệnh nhân được điều trị ARV. Việt Nam cũng là một trong những nước đứng đầu thế giới về chất lượng điều trị HIV, với trên 97% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện. Nhiều mô hình, sáng kiến về cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS được nghiên cứu, áp dụng và triển khai phù hợp với bối cảnh dịch HIV có nhiều thay đổi, qua đó đã luôn duy trì kiểm soát dịch HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%, từng bước tiến đến mục tiêu 95-95-95 theo Chiến lược quốc gia đã đề ra. Những kết quả này chứng minh cho sự đổi mới, sáng tạo và nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương, góp phần nâng cao và chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân.
Để đạt được những thành tựu trên là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế với các Bộ, ban, ngành, chính quyền đoàn thể các cấp; cùng với đó là vai trò tích cực của các tổ chức cộng đồng trong hỗ trợ tiếp cận, cung cấp dịch vụ dự phòng cho nhóm người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Đồng thời, Việt Nam cũng đã nỗ lực huy động nguồn lực tài chính trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS nhất là việc chi trả các dịch vụ điều trị HIV/AIDS thông qua Quỹ bảo hiểm y tế, các địa phương cũng đã tăng cường ngân sách cho chương trình thông qua các đề án hoặc kế hoạch đảm bảo tài chính, đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân vào phòng, chống HIV/AIDS. Cùng với đó, chúng ta cũng đã và đang tiếp tục huy động và nhận được một nguồn lực đáng kể từ các tổ chức quốc tế trong những năm qua.
Tại Lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đề nghị: Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS bảo đảm phù hợp thực tế và đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan; nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, sáng kiến mới về phòng, chống HIV/AIDS trên toàn cầu; hướng dẫn, hỗ trợ địa phương triển khai đa dạng các mô hình phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả; triển khai đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, xác định các tồn tại, hạn chế của các tỉnh, thành phố triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS chưa hiệu quả, có nguy cơ không đạt được mục tiêu quốc gia về chấm dứt dịch bệnh AIDS, từ đó tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia chỉ đạo các tỉnh, thành phố kịp thời.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS.
Phó Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình nhiễm HIV/AIDS thực tế, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS để đầu tư đảm bảo phân bổ đủ nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và giao các chỉ tiêu cụ thể đến với từng cấp xã, cấp huyện với tinh thần quyết tâm cao nhất đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đối với các cơ quan và chính quyền các cấp.
Các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình; phối hợp với Bộ Y tế, các tỉnh thành phố để đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông, cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS phù hợp tại các cơ sở giáo dục, khu công nghiệp có nhiều người trẻ, tại các địa bàn có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Với những người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao cần tiếp tục tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện và khả năng của mình.
Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, giúp Việt Nam cập nhật tiến bộ khoa học, ứng dụng thực hành tốt nhất để đạt mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS.