Dịch HIV đang ‘nghiêng’ dần về giới trẻ, nhóm đồng tính, chuyển giới

Hiện nay dịch HIV đang có xu hướng lây qua đường tình dục ở nhóm quan hệ đồng giới nam hay nhóm chuyển giới; việc lây truyền có dấu hiệu trẻ hoá ở các nhóm này.

Chú thích ảnh
  Họp báo hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2024.

Tại buổi họp báo hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2024 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12) do Cục Phòng chống HIV/AIDS tổ chức ngày 18/11, PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết: “Tại Việt Nam, dịch HIV đã có sự chuyển dịch rõ rệt về hình thái qua các năm. Trước đây, đường lây của bệnh chủ yếu qua đường máu ở nhóm nghiện, chích ma túy, thì hiện nay chủ yếu qua đường tình dục ở nhóm quan hệ đồng giới nam, hay nhóm chuyển giới. Đặc biệt, việc lây truyền có dấu hiệu trẻ hoá trong các nhóm đối tượng này”.

Nguy cơ dịch mới nổi trong nhóm lây qua đường tình dục, nhóm trẻ tuổi, nhóm quan hệ đồng giới... cũng tập trung nhiều hơn ở khu vực các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng năm 2024, tỷ lệ mắc ở các nhóm này đã chiếm gần 70% số ca nhiễm HIV mới phát hiện ở khu vực tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Riêng ở nhóm trẻ tuổi, nếu trước đây, chủ yếu các ca nhiễm ở nhóm thanh niên, những người có điều kiện kinh tế, thì hiện đã ghi nhận ở nhóm trẻ hơn, thậm chí ở cả những nhóm học sinh, sinh viên; số mắc ở độ tuổi 15-29 tuổi chiến tới gần 40% tổng số ca nhiễm HIV trong thời gian vừa qua.

Thạc sĩ Bùi Hoàng Đức, Phó Trưởng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Tính đến tháng 10/2024, số ca nhiễm HIV trên toàn quốc ước tính là 267.391 trường hợp; riêng trong 9 tháng năm 2024, đã có 11.421 trường hợp phát hiện mới.

Trong số người nhiễm HIV mới phát hiện năm 2024, có tới hơn 68% người nhiễm tại Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh.

Trong mục tiêu 95-95-95, Việt Nam đã đạt: 87 % người biết tình trạng nhiễm HIV - 79 % người biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị ARV - 95 % người được điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế.

Dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn tồn tại và sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư còn thấp, là rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của người nhiễm HIV và các nhóm đích nguy cơ cao.

Với đặc thù của dịch HIV hiện nay, Chương trình Tháng hành động năm nay chọn chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030".

Chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2024 hướng tới việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV.

Đồng thời, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV, tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Cùng với đó là việc đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Mở rộng dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV
Mở rộng dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các cơ sở y tế trên địa bàn đã xét nghiệm và phát hiện 162 ca nhiễm HIV, nâng số ca nhiễm còn sống trong toàn thành phố lên 14.702 người, chiếm 6,6% tổng số ca nhiễm HIV còn sống của cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN