Ngày 19/8, 30 y bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị, hơn 100 y bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và 14 y bác sĩ của Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã lên đường vào Nam chống dịch.
Tại Bệnh viện Hữu Nghị, BS. Lê Phú Tài, Khoa Nội tiêu hoá chia sẻ: “Hiện nay tình hình dịch COVID-19 tại các tỉnh miền Nam đang phức tạp, rất nóng, cần sự chi viện; vì vậy chúng tôi đã xung phong lên đường. Chúng tôi hy vọng với tinh thần nhiệt huyết cống hiến của cả đoàn sẽ góp chút công sức nhỏ bé để chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch COVID-19”.
Bệnh viện Hữu Nghị đã triển khia tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ và chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết để các y bác sĩ yên tâm lên đường đi chống dịch.
Đây là lần thứ 4 Bệnh viện Hữu Nghị xuất quân chi viện cho miền Nam chống dịch; và là đợt xuất quân thứ 2 chi viện cho tỉnh Tiền Giang. Trước đó, 44 điều dưỡng, bác sĩ tình nguyện đã vào làm nhiệm vụ tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang .
Đoàn lên đường lần này là đội ngũ các bác sĩ hồi sức cấp cứu và các lĩnh vực khác để tăng cường cho Trung tâm Hồi sức tích cực của Tiền Giang và giúp Tiền Giang điều trị các bệnh nhân nặng có khả năng phải chuyển sang hồi sức tích cực.
Xúc động dặn dò từng người trong đoàn yên tâm làm nhiệm vụ, PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị cho biết: “Đoàn cán bộ y tế của Bệnh viện vào Tiền Giang đợt trước đã thích nghi với công việc rất tốt, hỗ trợ đắc lực cho Tiền Giang cứu sống đươc nhiều bệnh nhân nặng tại Trung tâm Hồi sức tích cực của tỉnh. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân nhiễm và diễn biến nặng tại Tiền Giang vẫn đang nhiều lên; vì vậy chúng tôi chi viện cho Tiền Giang theo đúng nhu cầu của tỉnh lúc này”.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, lần này đoàn công tác của Bệnh viện Hữu Nghị ngoài hỗ trợ chuyên môn cứu chữa người bệnh COVID-19, còn có nhiệm vụ khá nặng là đào tạo tại chỗ, chuyển giao kỹ thuật hồi sức cấp cứu cho các bác sĩ tại Tiền Giang. Vì xác định cuộc chiến chống dịch vẫn còn khá lâu dài, lực lượng tại chỗ mới là quan trọng, phải giúp địa phương để họ đảm đương được nhiệm vụ chống dịch.
“Chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho đoàn phải tìm hiểu kỹ về những kỹ thuật, trang thiết bị, thậm chí những loại xét nghiệm gì mà địa phương cần hoặc chưa triển khai được, nhất là trong hồi sức cấp cứu để có thể sẵn sàng cử thêm “quân” chi viện vào theo đúng chuyên khoa, chuyên ngành địa phương đang cần. Chúng tôi tin tưởng, với khả năng, chuyên môn của các bác sĩ đã dày dạn kinh nghiệm và các y bác sĩ trẻ nhiệt huyết có chuyên môn tốt sẽ giúp Tiền Giang cứu chữa được nhiều bệnh nhân hơn, nhất là các bệnh nhân COVID-19 nặng”, PGS.TS Nguyễn Thanh Hà chia sẻ.
Cũng trong ngày 19/8, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có 2 đoàn cán bộ y tế xuất quân đi hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh miền Nam gồm: Đoàn 80 thầy thuốc tăng cường cho bệnh viện Hồi sức cấp cứu dã chiến số 13 TP Hồ Chí Minh và đoàn 42 thầy thuốc chi viện cho bệnh viện Hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương. Đây cũng là lần ra quân thứ 2 của Bệnh viện hỗ trợ cho miền Nam.
Để chuẩn bị cho đợt tiếp sức lần 2 này, đội ngũ các y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có 2 tuần liên tục tập huấn các quy trình sàng lọc, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân an toàn đúng cách và cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng máy thở... và thực hành nhuần nhuyễn để có thể đáp ứng công việc nhanh nhất khi vào tâm dịch.
TS.BS Đỗ Văn Lợi, phụ trách đơn vị chống đau, Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức, trưởng đoàn công tác tăng cường cho TP Hồ Chí Minh đã thể hiện quyết tâm: “Chúng tôi sẽ không quản ngại gian khó, nguy hiểm, sẽ đóng góp hết sức mình cùng với lực lượng y tế và nhân dân các tỉnh, thành ở miền Nam để sớm đẩy lùi dịch bệnh COVID -19”.
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, đoàn 14 y bác sĩ cũng hăng hái lên đường chi viện cho Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại tỉnh Vĩnh Long. Trong lần xuất quân này, đoàn có 5 bác sỹ, 8 điều dưỡng và 1 kỹ thuật viên đều có kinh nghiệm dày dặn và đã được tập huấn chuyên môn đầy đủ trước khi lên đường.
Đây là lần thứ 2 Bệnh viện Nội tiết Trung ương chi viện cho các tỉnh miền Nam. Trước đó, trong lần xuất quân đợt 1 vào ngày 26/7, đã có 33 nhân viên y tế của Bệnh viện lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh chống dịch. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để chuyến đi của cả đoàn được thuận lợi và an toàn.
Với tinh thần và trách nhiệm cao nhất, cùng với ý thức tuân thủ các quy định, quy trình về phòng, chống dịch; các đoàn quân áo trắng đã lên đường với tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, lời hứa cống hiến hết mình, quyết tâm góp phần cùng TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam đầy lùi dịch bệnh; trong mỗi ánh mắt đều cháy bỏng hy vọng sẽ sớm trở về trong chiến thắng.