Các bệnh nhân nhập viện đều ở cùng một gia đình dân tộc Mông thuộc bản Sàng Mà Pho, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu), gồm: Sùng Duy Anh (13 tháng tuổi); Sùng Thị Ía (3 tuổi); Lý Thị Khu (20 tuổi, đang mang thai thai 18 tuần) và Sùng Thị Tùng (44 tuổi).
Bệnh nhân Lý Thị Khu cho biết, chiều 8/5, chị thấy chậu địa lan ở vườn nhà mọc lên một đám nấm nên liền hái về nướng cho cả gia đình ăn, trong đó chị ăn nhiều nhất.
Sau khi ăn, mẹ chồng chị là bà Sùng Thị Tùng dẫn hai cháu vào rừng kiếm rau để chuẩn bị bữa cơm tối. Khi vừa đi được một lúc thì thấy bà dẫn hai cháu về nói cháu bị đau bụng, buồn nôn. Khi đó, chị và mẹ chồng cũng thấy tê mỏi chân tay, đau bụng và được hàng xóm cho uống nước lá cây rừng.
Đến đêm không thấy đỡ nên hàng xóm đã báo với chính quyền và khẩn trương chuyển 4 người trong gia đình chị Khu về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu để điều trị.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, ê kíp trực của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu đã tổ chức cấp cứu theo phác đồ điều trị ngộc độc như: Rửa ruột, truyền dịch giải độc...
Đến 10 giờ ngày 9/5, sức khỏe của các bệnh nhân cơ bản ổn định, các chỉ số sinh tồn bình thường. Hiện các bệnh nhân vẫn đang được theo dõi, điều trị tại Khoa Hồi sức Cấp cứu của bệnh viện.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, hiện nay trên địa bàn bắt đầu xuất hiện các cơn mưa đầu mùa nên nấm rừng mọc nhiều. Người dân do kém hiểu biết nên thường đi rừng hái nấm về ăn. Người dân nếu ăn phải nấm độc và không được cấp cứu kịp thời sẽ để lại các di chứng như suy gan, suy thận và có thể dẫn đến tử vong.