Bộ Y tế công bố Việt Nam đã thanh toán được bệnh mắt hột

Việt Nam nằm trong 21 quốc gia đã thành công trong việc thanh toán bệnh mắt hột.

Chú thích ảnh
 Lễ công bố thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam.

Ngày 14/4, Bộ Y tế tổ chức Lễ công bố thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam. Việt Nam nằm trong 21 quốc gia đã thành công trong việc thanh toán bệnh mắt hột.

Theo các tiêu chí đánh giá của quốc tế, tại phiên họp thứ 75 của Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương được tổ chức ở Philippines ngày 21/10/2024, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức công nhận và vinh danh Việt Nam về thành tích thanh toán thành công bệnh mắt hột. Đây là một dấu mốc quan trọng của Việt Nam nói chung, ngành y tế nói riêng sau hơn 7 thập kỷ phấn đấu và quyết tâm phòng chống bệnh mắt hột.

Ghi nhận về thành tựu này của Việt Nam, Tiến sĩ Saia Ma'u Piukala, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá: "Việc loại trừ bệnh mắt hột ở Việt Nam là minh chứng cho cam kết của Chính phủ, nhân viên y tế và cộng đồng trên khắp cả nước. Đây là một ví dụ điển hình về cách các biện pháp can thiệp có mục tiêu, quan hệ đối tác chặt chẽ và nỗ lực bền bỉ có thể mang lại sự thay đổi thực sự cho sức khỏe của người dân".

TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Việt Nam đã chứng minh rằng, có thể tiếp cận được những nhóm dân cư khó tiếp cận nhất, đầu tư đúng mức để bảo vệ sức khỏe của người dân và đảm bảo một tương lai không còn bệnh mắt hột”.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, sự kiện thanh toán được bệnh mắt hột có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành Y tế và công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tại Việt Nam, quá trình triển khai thanh toán bệnh mắt hột đã trải qua nhiều giai đoạn khảo sát, điều tra, can thiệp tại các khu vực lưu hành bệnh, với sự tham gia tích cực của mạng lưới y tế từ Trung ương tới địa phương. Đặc biệt, Việt Nam đã thanh toán được bệnh này theo tiêu chuẩn, tiêu chí khắt khe của Tổ chức Y tế thế giới. Thành công này là minh chứng rõ nét cho nỗ lực bền bỉ, sự đồng lòng và quyết tâm rất lớn của toàn ngành Y tế, của đội ngũ y, bác sĩ chuyên ngành mắt nói riêng và của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư nói chung. Đặc biệt là vai trò đầu mối chuyên môn của Bệnh viện Mắt Trung ương.

“Tuy nhiên, thanh toán bệnh mắt hột không có nghĩa là chúng ta được phép chủ quan, lơ là. Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là Việt Nam cần phải tiếp tục duy trì thành quả đã đạt được một cách bền vững, bằng các biện pháp như: Tăng cường công tác giám sát, phát hiện và quản lý ca bệnh tại cộng đồng; tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh mắt hột; bảo đảm nguồn lực, cơ chế tài chính cho các hoạt động phòng chống, trong đó có chi trả phẫu thuật quặm thông qua bảo hiểm y tế theo đúng quy định hiện hành; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ về Bệnh viện Mắt Trung ương và các cơ quan quản lý nhà nước”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Cách phòng đau mắt cho người dân vùng lũ
Cách phòng đau mắt cho người dân vùng lũ

Bộ Y tế hướng dẫn người dân các biện pháp vệ sinh, dùng thuốc phòng ngừa để tránh bị đau mắt, nhiễm khuẩn trong điều kiện mưa lũ và sau ngập lụt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN