Trong năm 2023, Bộ Y tế đã thành lập các đoàn đi kiểm tra, giám sát tại một số tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần. Kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy các địa phương đã triển khai tích cực hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên tỷ lệ sàng lọc, phát hiện sớm còn thấp; hoạt động quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần tại tuyến y tế cơ sở gặp nhiều khó khăn. Một số trạm y tế xã chưa đảm bảo danh mục và số lượng thuốc thiết yếu cho quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm và chưa thực hiện xét nghiệm đường máu mao mạch cho quản lý, điều trị bệnh nhân đái tháo đường. Bên cạnh đó, việc quản lý thông tin bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn chưa được đầy đủ...
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm tăng cường công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần được phê duyệt tại Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 22/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ và bố trí đầy đủ kinh phí cho hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần của địa phương.
Các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã chủ động lập kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm hằng năm trên địa bàn để báo cáo Ủy ban nhân dân và cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương, ưu tiên kinh phí cho các hoạt động phòng, chống yếu tố nguy cơ, sàng lọc phát hiện sớm và các hoạt động liên quan khác.
Đồng thời đẩy mạnh truyền thông, cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý, điều trị người bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
Các địa phương tăng cường tổ chức triển khai các chương trình, hoạt động phòng, chống yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là chương trình phòng, chống tác hại của rượu, bia; bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực để nâng cao sức khỏe cho người dân.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố giao đơn vị đầu mối lập kế hoạch, điều phối tổ chức thực hiện, thống kê báo cáo, quản lý số liệu, kiểm tra giám sát và tổng kết đánh giá kết quả phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại địa phương.
Đồng thời chỉ đạo các bệnh viện, đơn vị y tế tuyến tỉnh cung cấp số liệu cho đơn vị đầu mối, bảo đảm kết nối thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện để thống kê báo cáo, quản lý thông tin về bệnh không lây nhiễm theo quy định.
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, tập huấn lại, hướng dẫn chuyên môn về phát hiện, dự phòng và quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần cho tuyến y tế cơ sở để nâng cao năng lực, cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế.
Các địa phương bảo đảm đầy đủ thuốc, thiết bị y tế cần thiết cho quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần, triển khai hiệu quả hoạt động dự phòng, phát hiện, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần ở tuyến y tế cơ sở.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sau đại dịch COVID-19, chúng ta sẽ đối mặt với đại dịch các bệnh không lây nhiễm. Do đó, bên cạnh việc phòng các bệnh truyền nhiễm mới nổi như COVID-19..., các nước cần tập trung phòng, điều trị bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tâm thần. Ngoài ra, còn thêm mặt bệnh đó là chấn thương do tai nạn thương tích.
Ước tính mỗi năm tại Việt Nam số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân, chủ yếu là do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Báo cáo của các bệnh viện cũng cho thấy 65-75% người bệnh nội trú là mắc các bệnh không lây nhiễm. Các bệnh viện, khoa điều trị ung thư, hô hấp, tim mạch đều rất đông bệnh nhân. Sức khỏe tâm thần cũng đang là thách thức rất lớn.
Thống kê của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, khoảng 6 - 7% dân số mắc đái tháo đường; theo Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, "sát thủ thầm lặng" là bệnh tăng huyết áp chiếm 25% số người trên 25 tuổi... Tất cả bệnh không lây nhiễm đều gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên điều đáng lo ngại chỉ 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh được phát hiện và điều trị.
Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia sử dụng rượu, bia nhiều đã làm gia tăng tai nạn thương tích, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim. Tỷ lệ hút thuốc lá cao cũng là tác nhân gây ra nhiều bệnh từ ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch...