Tại Hội thảo tập huấn cung cấp thông tin cho báo chí về các giải pháp phòng ngừa bệnh không lây nhiễm tổ chức ngày 21/9, Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia WHO Việt Nam cảnh báo: "Hiện khoảng trống trong việc phát hiện, quản lý các bệnh không lây nhiễm còn đang quá lớn; trong khi đây là nguyên nhân chính gây tử vong sớm (chiếm tới 2/3 nguyên nhân gây tử vong). Cụ thể với bệnh tăng huyết áp, tỷ lệ phát hiện mới chỉ chiếm 43,1%, tức là vẫn có tới 56,9% người có triệu chứng tăng huyết áp nhưng chưa được phát hiện; hay với bệnh tiểu đường, mới chỉ phát hiện được khoảng 31,1% người mắc, còn tới 68,9% người có triệu chứng tăng đường máu chưa được phát hiện. Trong khi đó, tình trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn lipid máu đang phổ biến trong nhóm người trưởng thành".
Trong khi đó, bệnh không lây nhiễm có thể gây các biến chứng rất nguy hiểm như: Bệnh về huyết áp gây ra tai biến dẫn tới liệt, tử vong; tiểu đường có thể gây mù lòa, hoại tử chân, cụt chi…. việc phát hiện sớm các bệnh có thể giúp người dân quản lý, dự phòng nguy cơ biến chứng bệnh.
Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến các bệnh không lây nhiễm; trong đó, phải kể đến các yếu tố hành vi gồm: Sử dụng thuốc lá, dinh dưỡng không hợp lý (đồ uống có đường, tiêu thụ nhiều muối…), ít hoạt động thể lực, lạm dụng rượu bia, ô nhiễm không khí. Đây là 5 yếu tố nguy cơ hành vi chính.
Nếu các hành vi nguy cơ diễn ra sau thời gian dài, sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa (tăng huyết áp, mỡ máu, đường máu, béo phì). Với một người có tăng đường máu nhưng chưa đến mức gây bệnh tiểu đường mà ở ngưỡng báo động, nếu không điều chỉnh kịp thời sau một thời gian thành bệnh không lây nhiễm. Trên toàn thế giới ước tính có hơn 14 triệu ca tử vong sớm (trước 70 tuổi) vì các bệnh không lây nhiễm.
TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng đánh giá: "Ở Việt Nam, bệnh không lây nhiễm không những là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, mà còn tạo gánh nặng lớn về sức khỏe, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Ước tính hàng năm thuốc lá gây thiệt hại về kinh tế lên đến 4,5 tỷ đô la Mỹ. Điều này không chỉ gây ra thiệt hại với sức khỏe người dân mà còn giảm năng suất lao động, cuối cùng gây ra tử vong do nhiều bệnh liên quan thuốc lá".
Theo đó, một trong những biện pháp quan trọng để phòng chống bệnh không lây nhiễm là đánh thuế các sản phẩm không lành mạnh, không tốt cho sức khỏe như thuốc lá, đồ uống có đường... qua đó giảm bớt tiêu thụ.
"Đặc biệt, việc tăng thuế thuốc lá tác động hiệu quả tới nhóm người thu nhập thấp và đặc biệt giới trẻ. Đây là những nhóm nhạy cảm hơn với việc tăng giá, nhóm bỏ thuốc nhiều nhất và ít bắt đầu hút thuốc nhiều nhất. Nếu có thể tăng thuế chúng ta có thể ngăn ngừa nhiều bạn trẻ không bắt đầu hút thuốc lá và sẽ rất ít khả năng hút về sau này. Việc tăng thuế như tiêm một "liều vaccine" để phòng chống việc hút thuốc", đại diện WHO Việt Nam chia sẻ.
Theo BS. Nguyễn Tuấn Lâm, để giảm bớt nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, người dân cần áp dụng các nhóm giải pháp can thiệp dễ thực hiện và hiệu quả cao như: Giảm sử dụng thuốc lá; ăn giảm muối; giảm sử dụng rượu bia; tăng hoạt động thể lực; điều trị thuốc và tư vấn cho người đã mắc bệnh tim mạch hoặc có nguy cơ cao; sàng lọc ung thư thường xuyên, có thể tiêm các vaccine phòng một số bệnh ung thư đã có...
Các chuyên gia cũng đề xuất, việc kiểm soát nguy cơ gây ra các bệnh không lây nhiễm là rất quan trọng, việc phòng chống các bệnh không lây nhiễm là trách nhiệm của các cấp, các ngành, mỗi người dân, trong đó ngành Y tế là nòng cốt. Cùng với kiểm soát nguy cơ gây bệnh là việc chủ động giám sát, phát hiện bệnh sớm; điều trị, quản lý liên tục, lâu dài tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu; nhóm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm (người thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường máu, mỡ máu) cần được quản lý, theo dõi để hạn chế tối đa chuyển thành các bệnh không lây nhiễm. Đặc biệt, cần tăng cường vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe người dân để đẩy mạnh công tác phòng bệnh ngay từ sớm.