Tại điểm cầu bệnh viện Bạch Mai có Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình; điểm cầu bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Phạm Văn Thủy cùng đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La.
Tại buổi hội chẩn, Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La báo cáo về một trường hợp có phản ứng bất lợi khi tiêm chủng đang được điều trị tại bệnh viện. Các chuyên gia hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu, tim mạch, truyền nhiễm, huyết học đã tư vấn chia sẻ những kinh nghiệm cho các cán bộ y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La về việc theo dõi, chăm sóc và xử trí trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó Trưởng ban An toàn tiêm chủng quốc gia cho biết, công tác tiêm chủng mới chỉ trong giai đoạn đầu và sẽ còn kéo dài trong cả năm 2021, do đó các địa phương như Sơn La phải chuẩn bị sẵn 4 tại chỗ, đảm bảo nhân lực, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ cấp cứu. Các cán bộ tiêm chủng phải được tập huấn, có kinh nghiệm trong xử trí cấp cứu.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cũng đề nghị ngành Y tế Sơn La học tập và tham khảo kinh nghiệm bảo quản, tổ chức sàng lọc, tiêm chủng, cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhi trung ương, đồng thời thành lập Đội an toàn tiêm chủng cấp tỉnh sẵn sàng túc trực tư vấn 24/24 giờ để hỗ trợ các huyện vùng sâu, vùng xa.
“Ngành Y tế Sơn La cần có chiến lược đầu tư con người và trang, thiết bị để đảm bảo cho công tác cấp cứu, hồi sức tích cực tại địa phương”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội hồi sức cấp cứu - chống độc Việt Nam, Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng cho biết, công tác cấp cứu tại chỗ là quan trọng nhất và các cán bộ y tế phải đồng hành hỗ trợ nhau. Do đó, UBND tỉnh Sơn La cần quan tâm và đầu tư về nhân lực, trang thiết bị cho ngành Y tế tỉnh đáp ứng kịp thời với những yêu cầu hiện nay.