Để tạo nên một bài hát hay, ca sỹ là những người phẫu thuật viên còn bác sỹ gây mê giống như nhạc công, là sân sau trong mỗi ca phẫu thuật, bác sỹ Trần Minh Long mở đầu câu chuyện về nghề với phóng viên như vậy.
Trong mỗi cuộc phẫu thuật, kíp gây mê là những người đến phòng mổ sớm nhất để làm công tác chuẩn bị cho ca mổ, đánh giá tình trạng người bệnh, chuẩn bị trang thiết bị, dụng cụ và tiến hành các bước tiền mê, khởi mê cho bệnh nhân… Bởi vậy, bác sỹ gây mê hồi sức được gọi là những "bác sỹ thầm lặng". Họ âm thầm theo dõi người bệnh, làm việc tận tuỵ với trách nhiệm cao, góp phần không nhỏ vào thành công của ca mổ.
Chuyên ngành gây mê trẻ em là một trong những chuyên ngành khó. Với những bệnh lý bẩm sinh khi sinh ra như, trẻ bị dị tật tim, tiêu hóa, hô hấp đòi hỏi bác sỹ gây mê phải xử lý nhanh nên cần có kỹ năng, kiến thức y khoa căn bản, bác sỹ Long chia sẻ.
Không phải cuộc phẫu thuật nào cũng diễn ra thuận lợi và an toàn. Bác sỹ gây mê cho người lớn đã khó, gây mê cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ lại càng khó hơn. Đối với trẻ em, đội ngũ bác sỹ gây mê hồi sức phải có chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm, dự tính mọi thông số, đề phòng rủi ro, chuẩn xác mọi thao tác, kỹ năng hồi sức, cấp cứu, kỹ năng gây mê… để xử lý được ca "cấp bách", đồng thời thường xuyên cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn.
Công việc tại Khoa Gây mê hồi sức bắt đầu từ 7 giờ 30 phút, đến khi các bác sỹ mổ xong, bác sỹ gây mê mới kết thúc. Là những người luôn âm thầm đóng góp công sức để những ca phẫu thuật thành công, dù vậy, tên tuổi của họ đôi khi không được nhắc đến. Với đội ngũ y bác sỹ gây mê hồi sức nói chung và bác sỹ Trần Minh Long nói riêng, đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn cả tình yêu thương đối với người bệnh.
Gây mê và chống đau là chuyên ngành khó và ít người theo học. Có nhiều ca bệnh nhi khó, ngoài sách vở khiến đội ngũ bác sỹ gây mê phải “cân não” tìm ra phương án tối ưu nhất, đảm bảo an toàn cho bệnh nhi trong quá trình phẫu thuật.
Đơn cử, trường hợp ca khó như trẻ sinh ra bị bệnh lý tim bẩm sinh đảo gốc động mạch đòi hỏi phải mổ sớm. Đây là một trong những trường hợp khó đối với đội ngũ y bác sỹ nói chung và bác sỹ gây mê nói riêng. Bệnh viện phải kích hoạt cả ê - kíp gây mê hồi sức, phẫu thuật viên, chẩn đoán hình ảnh bệnh lý của trẻ, chạy máy tim phổi nhân tạo… phối hợp ê-kíp một cách nhịp nhàng, không xảy ra một sai sót nào trong quá trình phẫu thuật.
“Sau mỗi ca phẫu thuật thành công, mỗi sinh linh bé nhỏ được hồi sinh khiến cho cảm xúc chúng tôi dâng trào, thực sự hạnh phúc. Sau khi thực hiện mỗi ca khó ấy, đội ngũ y bác sỹ chúng tôi lại học được thêm kiến thức từ thực tế, nâng cao tay nghề hơn”, bác sỹ Long chia sẻ.
Hai năm trước, bệnh nhi Lầu Y Bi (ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) được sinh ra trong tình trạng suy hô hấp, tím tái, chẩn đoán bị tim bẩm sinh đảo gốc động mạch cần phẫu thuật ngay để không nguy hiểm đến tính mạng. Đội ngũ y bác sỹ phải kích hoạt cả ê-kíp mổ tim khẩn cấp cho em trong suốt 12 giờ. Hiện, sức khỏe cháu ổn định, gia đình vẫn đưa cháu đi bệnh viện tái khám định kỳ.
“Nếu không có các y bác sỹ khẩn trương, kịp thời phẫu thuật cứu sống, nay cháu không được như bây giờ. Gia đình tôi cảm ơn đội ngũ y bác sỹ của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An”, chị Lầu Hương Giang, mẹ cháu Lầu Y Bi bày tỏ.
Từng tốt nghiệp bác sỹ đa khoa Đại học Y khoa Hà Nội nhưng bác sỹ Long lại đến với chuyên ngành gây mê như một cơ duyên.
Hàng ngày, bác sỹ Long luôn miệt mài cống hiến, âm thầm đứng sau cánh gà giúp phẫu thuật viên tỏa sáng. Với cương vị là một người lãnh đạo, ông thường xuyên nhắc nhở đội ngũ y bác sỹ trẻ giữ gìn thái độ ứng xử, giao tiếp, tạo niềm tin đối với người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Vừa là bác sỹ giàu kinh nghiệm, bác sỹ Long vừa là "người thầy" sẵn sàng chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, chỉ dạy tận tình cho đồng nghiệp trẻ. Ông luôn tâm niệm rằng, mỗi thầy thuốc cũng chính là "người truyền lửa" - truyền kiến thức, y đức và đam mê cho thế hệ sau.
Bác sỹ Võ Quang Thành, bác sỹ Khoa Gây mê hồi sức cho biết, đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm chuyên môn cũng như trong nếp sống, phong cách làm việc của bác sỹ Long. Ông là người thầy cho đồng nghiệp trẻ học tập, noi theo.
Những lời hỏi thăm ân cần, động tác khám bệnh nhẹ nhàng, tỉ mỉ của các bác sỹ như một liều thuốc tinh thần để người bệnh yên tâm bước vào ca phẫu thuật. Thấu hiểu điều đó, bác sỹ Trần Minh Long cho biết, "với trách nhiệm của một bác sỹ, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước tính mạng của người bệnh. Trong mỗi ca phẫu thuật, chúng tôi luôn cố gắng hết sức cẩn thận và nhẹ nhàng nhất để bệnh nhân trải qua giai đoạn gây mê an toàn và hoàn thành cuộc mổ một cách trọn vẹn”.
Là người được đào tạo bài bản không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài, Tiến sỹ, bác sỹ Trần Minh Long có chuyên môn vững vàng, đảm nhiệm nhiều ca gây mê kỹ thuật cao và khó, kéo dài hàng giờ. Giàu y đức, vững chuyên môn, bác sỹ Long luôn xung kích đi đầu trong phong trào vận động cán bộ, đảng viên thực hiện tốt quy định của bệnh viện và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Bác sỹ Long còn là người say mê nghiên cứu khoa học và góp phần hỗ trợ tuyến thành công. Nỗ lực không ngừng trong công việc chuyên môn và những cống hiến của mình, bác sỹ Long luôn được đồng nghiệp và bệnh nhân tin yêu, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An Trần Văn Cương cho biết.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghề y, giờ đây, bác sỹ Long càng vui mừng hơn khi hai người con của mình lựa chọn ngành Y để theo đuổi và học tập. Lấp lánh niềm vui trong đôi mắt hiền hậu, bác sỹ Long bảo rằng, sự sống của mỗi con người phụ thuộc rất nhiều vào cả sự tận tâm, tài đức và trách nhiệm của thầy thuốc, bởi vậy, ông vẫn đang nỗ lực mỗi ngày.
"Mỗi ngày trôi qua, tôi đều tìm thấy niềm vui trong chính công việc của mình. Dẫu có vất vả, đi trước về sau, công việc đòi hỏi sự khẩn trương, nghiêm túc, cẩn trọng, tỉ mỉ và chuyên nghiệp nhưng phần thưởng quý giá nhất chính là sự sống mà tôi và đồng nghiệp mang lại cho người bệnh”, bác sỹ Long tâm niệm.