Bác sĩ dùng mạch máu cổ 'bắc cầu vượt' cứu bé trai bị nôn ra máu liên tục

Đây là ca bắc cầu nối mạch máu vô cùng khó, số ca trong nước thành công đếm trên đầu ngón tay khi làm phẫu thuật này đối với bệnh nhi.

Ngày 5/10, thông tin từ bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, lần đầu tiên bệnh viện thực hiện ca phẫu thuật phức tạp dùng mạch máu cổ "bắt cầu vượt" để cứu bé trai 7 tuổi (Đồng Tháp) bị nôn ra máu liên tục.

Chú thích ảnh
Sau ca phẫu thuật 48 giờ, sức khoẻ bệnh nhi dần ổn định và sẽ xuất viện trong thời gian tới.

Qua kết quả chụp CT tại bệnh viện cho thấy, bé bị tăng áp tĩnh mạch cửa ở cổ khiến dãn toàn bộ đường mật trong và ngoài gan, lách to. Bệnh nhi bị nôn ra máu, xuất huyết tiêu hóa nên phải can thiệp điều trị sớm.

Sau khi được hội chẩn ráo riết, các bác sĩ quyết định phương án phẫu thuật bắc cầu tĩnh mạch cửa ở cổ để chuyển hướng lượng máu từ tĩnh mạch cửa vào các tĩnh mạch khác. Sau đó, các bác sĩ dùng một đoạn tĩnh mạch cảnh trong ở cổ làm cầu bắc ngang giải áp cho tĩnh mạch cửa qua tĩnh mạch mạc treo tràng trên ở ruột.

ThS BS Tạ Huy Cần, Trưởng khoa Ngoại tổng quát cho biết, đây là kỹ thuật phẫu thuật cực kỳ khó và tỉ mĩ vì tĩnh mạch cực kỳ mỏng và nhỏ, dưới 0,1 mm, đòi hỏi êkíp phẫu thuật phải hiểu ý nhau, tinh tế, chỉ cần đi lệch hoặc thao tác thiếu chính xác sẽ làm rách mạch máu, phải nối lại chắc chắn không tốt và gây ảnh hưởng đường máu đi.

ThS BS Nguyễn Thị Cẩm Xuyên thuộc kíp mổ cho biết, nếu tình trạng tăng áp tĩnh mạch cửa kéo dài, bệnh nhi sẽ bị xuất huyết nặng và ồ ạt, đe dọa tính mạng. Đây là ca bắc cầu nối mạch máu vô cùng khó, số ca trong nước thành công đếm trên đầu ngón tay khi làm phẫu thuật này đối với bệnh nhi.

Ca phẫu thuật kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ và sau 48 giờ hậu phẫu, sức khoẻ bệnh nhi dần ổn định, dự kiến sẽ xuất viện trong thời gian tới.

Lúc khoảng 5 tuổi, bé trai đã từng ói ra máu 1 đợt và được truyền máu. Một tháng sau bé tiếp tục ói máu, đau bụng âm ỉ, người nhà cho bé sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc được một tháng.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, cách đây hai tuần, do ói ra máu liên tục, ước lượng khoảng hơn 1 chén cơm nên bé được người nhà đưa vào bệnh viện địa phương. Tại bệnh viện, dung tích hồng cầu của bé còn 20%, chứng tỏ xuất huyết khá nhiều. Bé nhanh chóng được truyền máu và chuyển đến bệnh Viện Nhi đồng Thành phố.

Đan Phương/Báo Tin tức
Đi ngoài phân đen là dấu hiệu nguy hiểm của bệnh tiêu hóa
Đi ngoài phân đen là dấu hiệu nguy hiểm của bệnh tiêu hóa

Theo các bác sĩ, đi ngoài phân đen là biểu hiện của chảy máu từ đường tiêu hóa nên người bệnh không nên chủ quan, cần đi khám sớm để tìm nguyên nhân. Việc vào viện trễ có thể đe dọa đến tính mạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN