Trong báo cáo đăng trên tạp chí AIDS, các bác sĩ thuộc Đại học Witwatersrand ở thành phố Johannesburg cho biết, hơn một năm sau ca phẫu thuật vào năm 2017, hiện vẫn chưa có dấu hiệu có thấy đứa trẻ nhiễm HIV từ người mẹ.
Trưởng nhóm phẫu thuật, bác sĩ Jean Botha, cho biết các loại thuốc điều trị cho đứa trẻ có thể đã ngăn chặn sự lây nhiễm HIV, nhưng kết quả này cần thời gian minh chứng. Hiện người mẹ và đứa trẻ đã hồi phục hoàn toàn sau ca phẫu thuật và ở trong tình trạng sức khỏe tốt.
Trước đó, người mẹ, được điều trị thành công với thuốc kháng virus, từng nhiều lần yêu cầu hiến tạng để cứu sống đứa con bị mắc bệnh gan giai đoạn cuối của mình. Ở thời điểm đó, các bác sĩ còn chần chừ do lo ngại nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tuy nhiên, đứng trước hy vọng sống mong manh của đứa bé 13 tháng tuổi, các bác sĩ thuộc Đại học Witwatersrand đã dốc tâm thực hiện ca ghép gan cho đứa bé sau 6 tháng chờ đợi một người tình nguyện hiến tạng. Đứa trẻ có thể sẽ chết nếu không được cấy gan kịp thời.
Nam Phi có chương trình điều trị HIV lớn nhất thế giới và việc sử dụng nguồn nội tạng từ các bệnh nhân nhiễm HIV có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng người hiến tạng ở nước này. Năm 2017, tại Johannesburg đã có 14 trẻ em tử vong trước khi được phẫu thuật ghép gan.