Trước đó, vào chiều 27/11, Bệnh viện C Thái Nguyên tiếp nhận 6 bệnh nhân đều sống tại xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nhập viện trong tình trạng kích thích vật vã, hoang tưởng, ảo giác, nói linh tinh…
Người nhà các bệnh nhân cho biết, trong bữa trưa cùng ngày, cả 6 người đều đã ăn một loại canh gồm rau cải nấu cùng với một loại cây có hình dạng giống cây rau đắng ở địa phương.
Tuy nhiên, sau khi xem mẫu cây do người nhà mang đến, các bác sĩ xác nhận đây là cây hoa chuông - một loại cây thuộc họ cà Solanaceae, có chứa độc tố giống như cây cà độc dược. Ở điều kiện bình thường, người có cơ địa dị ứng tiếp xúc qua da với bất kỳ vị trí nào trên cây hoa chuông đều có thể bị nổi mẩn đỏ, ngứa.
Nếu ăn phải loại cây này, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim, suy hô hấp dễ dẫn đến tử vong. Người bệnh khi bị ngộ độc cây hoa chuông sẽ cảm thấy khô miệng, khó nuốt, giảm tiết dịch ở phế quản, giãn đồng tử, nặng có thể bị lú lẫn, hoang tưởng, dễ bị kích thích và có thể dẫn tới tử vong. Sau khi tiếp nhận 6 bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện C Thái Nguyên đã tiến hành cấp cứu, truyền dịch, rửa dạ dày cho các bệnh nhân. Hiện sức khỏe của cả 6 bệnh nhân đã ổn định.
Trước đó, vào tối 25/11, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận 9 bệnh nhân đều trong tình trạng miệng rát, rộp lưỡi, đau cổ họng, nôn, khó phát âm...
Qua xác định được biết, cả 9 người đều cùng ăn lẩu tại một nhà hàng ở thành phố Thái Nguyên và nhà hàng này đã sử dụng nhầm cây ráy thay cho cây dọc mùng mà người dân vẫn thường ăn. Cây ráy có hình dạng giống cây dọc mùng, chứa hàm lượng sapotoxin là nguyên nhân gây nên các triệu chứng tê môi lưỡi và cứng hàm cho người ăn.