Năm 1798, một người tên là Thomas Malthus từng khẳng định: “Khả năng tăng dân số bao giờ cũng cao hơn khả năng của đất đai sản xuất lương thực cho con người”. Ông tính rằng năm 1880 sẽ là thời điểm tình hình không thể chịu đựng được nữa. Nhưng ông đã không tính đến các yếu tố như nạn đói và chiến tranh làm nhiều người chết; cũng không tính đến sự phát triển vũ bão của các cuộc cách mạng công, nông nghiệp sau này.
Tuy nhiên, nguy cơ mà Thomas cảnh báo vẫn còn đó và loài người đã vượt qua nhiều giới hạn. Đến năm 2050 dân số thế giới sẽ đạt mức 10 tỷ người. Để nuôi sống chừng ấy nhân khẩu, sản lượng lương thực phải tăng 50% so với hiện nay.
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), hiện có tới 815 triệu người bị đói. Một số người cho rằng rau quả là giải pháp cho việc cải thiện bữa ăn, bảo vệ sức khỏe và chống lại những tác hại đối với môi trường. Nhưng theo Lierre Keith, người từng ăn chay 20 năm cho đến khi thực đơn này làm bà gẫy xương, “nông nghiệp là kẻ ăn thịt: nó ăn hệ sinh thái và tiêu hóa toàn bộ”. Ăn chay tự nó không phải là tiêu cực, mà chính là nền nông nghiệp công nghiệp hóa, việc sản xuất ra đồ ăn chay đang hủy hoại môi trường nhiều nhất.
Theo Keith, những người ăn chay thường đưa ra những lập luận về đạo lý để không ăn thịt động vật và cho là như vậy họ không sát sinh. Nhưng nền nông nghiệp công nghiệp hóa đang phá hoại đất đai, xua đuổi và hủy diệt các loài, đảo lộn dòng chảy các con sông và hủy hoại môi trường.
Theo tính toán, có tới 70% sản lượng lương thực trên thế giới là dành để chăn nuôi. Dùng lương thực để chăn nuôi theo quy mô công nghiệp giảm được giá thành sản xuất thịt những lại gián tiếp hủy hoại môi trường. Theo bà Keith, ăn một miếng bánh kẹp bằng đậu phụ không khác gì ăn bánh kẹp thịt bò nếu xét đến tác động hủy hoại môi trường và đa dạng sinh học.
Bà Keith cho rằng chăn nuôi quy mô công nghiệp đều dựa vào thức ăn chế biến chủ yếu làm từ ngô. Canh tác ngô theo quy trình hiện đại cho năng xuất và sản lượng cao nhưng trực tiếp hủy hoại môi trường vì sử dụng nhiều phân hóa học và thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, là những hóa chất làm từ nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và than đá.
Trong khi đó, thức ăn truyền thống của vật nuôi là cỏ. Tuy năng suất thấp nhưng chăn nuôi theo cách truyền thống, như chăn thả bò trên đồng cỏ, lại có tác dụng tái tạo hệ sinh thái, hấp thụ khí các bon vốn là tác nhân gây biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, Luis Ferreirim, người phát ngôn tổ chức Hòa bình xanh Nông nghiệp cũng cho rằng một trong những vấn đề lớn của nền nông nghiệp quy mô công nghiệp là phụ thuộc hoàn toàn vào phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tổng hợp, gây ra những mất cân bằng rất lớn về môi trường sinh thái. Nông nghiệp công nghiệp hóa làm ô nhiễm trực tiếp đến đất và nước, gây nguy hại cho các loài sinh vật vốn rất quan trọng đối với cây trồng. Theo ông Ferreirim, chính tổ chức FAO cũng cho rằng cuộc Cách mạng Xanh là một mô thức đã lỗi thời, để lại một di sản khủng khiếp. Cách mạng Xanh “đã giúp chúng ta sản xuất ra một lượng ngũ cốc mà cuối cùng chúng ta đang vứt bỏ tới một phần ba; lượng dư thừa này đủ để nuôi sống dân số thế giới vào năm 2050”, ông nói.
Cuộc Cách mạng Xanh được khởi xướng từ cuối thấp kỷ 1960, dựa trên những giống ngũ cốc có năng suất cao, sử dụng các loại giống lai, phân bón và thuốc trừ sâu tổng hợp. Tác giả Lierre Keith khẳng định: “Sau 50 năm, chúng ta có thể nói rằng cái mà (Cách mạng Xanh) đạt được là làm cho chúng ta phì nộn, ốm yếu và đần độn hơn”.
Nguyên cớ chính khiến bà Lierre Keith viết cuốn “Huyền thoại ăn chay” là tình trạng sức khỏe của bà suy giảm. Sau 20 năm ăn chay, bà mắc chứng gai cột sống (spondylosis) mãn tính, mệt mỏi, buồn nôn, lo âu, mất kinh nguyệt… Đây là những chứng bệnh liên quan đến thực đơn ăn chay của bà thiếu chất dinh dưỡng. Sau khi bỏ ăn chay, sức khỏe của bà đã hồi phục, một số chứng bệnh khỏi hẳn, một số khác đã thuyên giảm. Bà cho biết, nhiều người ăn chay hoặc từng ăn chay đã viết thư cho bà và nhiều người cho biết cũng mắc những chứng bệnh như vậy. Bà cho rằng con người nhiều khi làm những thứ khủng khiếp vì một đức tin nào đó. Có người ăn chay như một sự cuồng tín dù biết rằng làm như vậy có hại cho sức khỏe của chính họ và của con cái họ.
Khi phóng viên tờ El Pais (Tây Ban Nha) tham khảo ý kiến của Aitor Sanchez, chuyên gia dinh dưỡng thuộc Trung tâm Dinh dưỡng Aleris để có cái nhìn khoa học hơn về ăn chay nhưng ông cũng không dám đưa ra câu trả lời rõ ràng. Nhà khoa học này khuyên người dân nên thuân thủ những tư vấn của các nhà chuyên môn để có thực đơn đủ dưỡng chất; đặc biệt là không nên nghe theo những quảng cáo đang tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, vì “có rất nhiều lợi ích cá nhân” trong những thông điệp như vậy.
Về phần mình, tác giả cuốn “Huyền thoại ăn chay” cho rằng cá nhân mỗi người khó mà thay đổi được tốc độ tàn phá tài nguyên và sự mầu mỡ của đất đai, nhưng loài người cần phải thay đổi nền nông nghiệp theo hướng áp dụng những kỹ thuật bảo đảm sự đa dạng sinh học. Theo bà, một nền chăn nuôi và nông nghiệp quảng canh, một văn hóa tiêu dùng vừa đủ, là những vũ khí hiệu quả để bảo vệ môi trường và duy trì sự sống trên Trái Đất.