90% trẻ bị sâu răng, hi hữu có cháu sâu gần hết cả hàm

Phần lớn số trẻ đến khám, điều trị tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương đều bị sâu răng; thậm chí có bé mới 3 tuổi mà đã bị sâu đến 20 chiếc răng, trong đó nhiều chiếc sâu đến tủy.

Ths.BS Phùng Thanh Lý, Trưởng khoa Răng trẻ em, điều trị sâu răng cho bệnh nhi.

Đáng báo động

 

ThS.BS Phùng Thanh Lý, Trưởng khoa Răng trẻ em, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, cho biết, thực tế, có tới 90% số trẻ đến khám, điều trị tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương bị sâu răng, thậm chí sâu răng tới tủy; trong đó nhiều nhất là trẻ từ 2 - 3 tuổi.


“Hầu hết trẻ từ 2 - 3 tuổi đều đã hoàn thiện 20 chiếc răng sữa, song do chế độ ăn nhiều tinh bột nhưng việc vệ sinh răng, vệ sinh vùng lợi còn hạn chế nên các cháu dễ bị sâu vùng nhai và cả vùng mặt bên. Gần đây, còn có một bệnh nhi mới 3 tuổi mà đã bị sâu đến 20 chiếc răng sữa; trong đó có cái đã sâu vào tủy, gây đau, hình thành ổ nhiễm trùng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ”, BS Phùng Thanh Lý chia sẻ trước khi thăm khám cho bệnh nhi.


Lúc này, bố mẹ bé Nguyễn Quốc Tuấn (Ngọc Lâm, Gia Lâm, Hà Nội) đang ra sức dỗ dành để cậu bé bớt khóc, bớt gồng mình khi bác sĩ thăm khám và hàn răng. Chị Nguyễn Phương Thúy, mẹ bé Tuấn, chia sẻ: Tuấn bị sâu đến 5 cái răng, gia đình đã phải đưa cháu tới khoa Răng trẻ em, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, để hàn răng đã nhiều lần mà vẫn chưa xong.


Khó nhất là bé cháu Tuấn không hợp tác, hay giãy giụa nên lần nào đi khám răng cũng phải có cả bố đi cùng để ôm con trên ghế khám răng, còn mẹ thì ngồi phía dưới giữ chân và làm nhiệm vụ an ủi, động viên.


“Từ nhỏ, cháu Tuấn đã có thói quen ăn ngậm nên khoảng 2 tuổi, mấy chiếc răng cửa của bé cứ bị mòn dần. Đến năm bé 3 tuổi, gia đình lo lắng nên đã đưa con đến một phòng khám tư nhân gần nhà để tiện đi thăm khám. Nhưng điều trị suốt 1 năm mà tình hình răng miệng của cháu vẫn không khá hơn, gia đình buộc phải đưa cháu tới Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương để điều trị dứt điểm”, chị Thúy cho biết.


ThS.BS Phùng Thanh Lý cũng chia sẻ, bé Tuấn đến khám, điều trị trong tình trạng sâu răng tới tủy… khiến cháu bị sốt, không ăn được. Do vậy, việc điều trị cho cháu phức tạp hơn so với bệnh nhi khác.


Chú trọng vệ sinh, tránh kéo dài bữa ăn


Theo bác sĩ nha khoa, khi bị răng sâu đến tủy thì trẻ sẽ sưng, đau và gây sốt, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như việc sinh hoạt, học hành của trẻ. Phác đồ điều trị cho trẻ thời điểm này cũng rất phức tạp, cha mẹ thì vất vả do phải nhiều lần theo con đi điều trị mà kết quả không thể khả quan như khi răng mới bị sâu.


Do đó, để tránh tình trạng trẻ bị sâu răng và các biến chứng đáng tiếc, các bậc phụ huynh cần chú ý việc vệ sinh răng miệng cho trẻ. Ngoài ra, không nên kéo dài bữa ăn đến 45 phút, thậm chí cả tiếng như nhiều bậc cha mẹ vẫn làm vì sẽ tăng nguy cơ sâu răng cho trẻ.


Bên cạnh đó, bố mẹ cần cho con ăn, uống đủ chất, giàu canxi, phốt pho... Khi trẻ mọc chiếc răng sữa và nhất là răng hàm sữa đầu tiên thì ngoài đánh răng vẫn cần duy trì việc vệ sinh bằng gạc vô trùng cho trẻ.


"Đặc biệt, khi trẻ có răng hàm sữa thì càng cần phải chú ý việc vệ sinh răng miệng, mặt răng có nhiều hố rãnh rất dễ gây sâu răng ở trẻ. Bố mẹ cũng cần tránh cho trẻ dùng đồ ngọt, có đường. Nên đưa bé đi khám định kỳ 3 - 6 tháng/lần tại các cơ sở y tế chuyên khoa để kịp thời phát hiện, điều trị và tránh những biến chứng đáng tiếc cho trẻ", ThS.BS Phùng Thanh Lý nhấn mạnh.


Bài và ảnh: Phương Liên/Báo Tin Tức
Ngăn ngừa trẻ sâu răng do bú bình
Ngăn ngừa trẻ sâu răng do bú bình

Theo Ths.BS Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng I, TP Hồ Chí Minh, sâu răng do bú bình thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi hoặc trẻ nhũ nhi (6 - 12 tháng tuổi) có thói quen bú sữa bình hoặc ăn những chất lỏng chứa nhiều đường...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN