Ngày 9/11, tại Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì lễ công bố “Triển khai dự án muối Flour dự phòng sâu răng cho cộng đồng”.
Theo Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, tỷ lệ sâu răng ở trẻ em từ 6-8 tuổi đã tăng lên mức 90%. Theo đó, tình trạng sâu răng ở người dân Việt Nam đang ở mức rất cao và gia tăng nhanh trong những năm gần đây. Đặc biệt, hiện tượng phổ biến hiện nay là có tới 90% các răng sâu không được điều trị, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa như tỉnh Lào Cai.
Tỉ lệ sâu răng ở trẻ em Việt Nam đang ở mức rất cao. Ảnh: Internet |
Theo Tiến sĩ Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt cho biết: sâu răng có tỷ lệ mắc cao ngay từ trẻ em ở lứa tuổi học đường và gia tăng theo tuổi. Do tỷ lệ người mắc cao nên việc điều trị cho cả cộng đồng rất khó khăn và tốn kém.
Ông Hải cũng cho hay, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á triển khai dự án muối Flour dự phòng sâu răng cho cộng đồng. Đây là một sự kiện quan trọng của ngành y tế Việt Nam. Dự án sẽ được triển khai đầu tiên tại tỉnh Lào Cai - tỉnh có nhiều khó khăn về các dịch vụ y tế và tình trạng thiếu flour trong nguồn nước tự nhiên cao.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân nhiều người bị sâu răng là do việc thiếu Flour trong nguồn nước ăn tự nhiên. Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội đã tiến hành khảo sát nhiều địa phương trên cả nước cho thấy hầu hết đều thiếu flour và không có flour trong nguồn nước. Một nhân tố nữa phải kể đến là mức độ tiêu thụ đường gia tăng trong những năm gần đây cũng khiến cho tình trạng nhiều người bị sâu răng hơn.
Trước đây, lượng tiêu thụ đường trong nhân dân rất thấp. Những năm 90 của thế kỷ trước một người dân tiêu thụ trung bình chỉ 6,5 kg đường/năm, thì đến nay con số này đã tăng lên 20 kg đường/người/năm. Vì vậy, với đặc điểm sâu răng ở Việt Nam cao và các yếu tố nguy cơ mắc nhiều, việc dự phòng sâu răng trong cộng đồng rất quan trọng và cần được đẩy mạnh.
TTXVN/Tin Tức