Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - Bài 4: Tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn

Được xác định là một trong 6 dữ liệu thông tin quốc gia lớn được Chính phủ ưu tiên nguồn lực đầu tư để phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng gặp những khó khăn về nguồn vốn trong thời gian qua.

Còn nhiều việc phải triển khai

Quốc hội đã thông qua việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho dự án này theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 nhưng hiện mới bố trí được 230 tỷ đồng để triển khai trước một số hạng mục. Trong khi tổng mức đầu tư của dự án này là 3.085 tỷ đồng. Do đó, Bộ Công an đang đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn để lựa chọn nhà thầu thực hiện các công việc tiếp theo của dự án.

Theo Đại tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nhiệm vụ hết sức trọng tâm và có nhiều công việc phải triển khai trong thời gian ngắn, trong đó có triển khai kỹ thuật, phần mềm, đường truyền, đào tạo đội ngũ sử dụng,...

Chú thích ảnh
Quản lý dân cư ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giao dịch, đi lại. Ảnh minh họa: Ninh Đức Phương/TTXVN

"Thời gian qua, chúng ta mới hoàn thành được một khâu, đó là thu thập thông tin dân cư. Trong thời gian tới, khi được Chính phủ bố trí nguồn vốn cho dự án, chúng ta phải triển khai các bước tiếp theo như: triển khai hạ tầng kỹ thuật từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã; phần mềm nghiệp vụ, khai thác thông tin; đào tạo, tập huấn cho tất cả đội ngũ cán bộ từ quản trị viên hệ thống, cho đến các cán bộ sử dụng phầm mềm đến tận xã, phường, thị trấn... Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề chúng ta phải triển khai trong năm 2020" - Đại tá Phú cho biết. 

Cũng theo Cục phó Trần Hồng Phú, để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, Bộ Công an đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng dự án do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trực tiếp làm Trưởng ban. Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung thực hiện giai đoạn 2019 - 2020. Do đó, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành rà soát nguồn kinh phí từ các dự án chưa cấp bách, để ưu tiên nguồn vốn cho dự án dữ liệu dân cư sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Công an, cũng như Bộ trưởng tập trung thực hiện trong thời gian qua. Bộ cũng đang đề xuất Chính phủ về việc bố trí vốn, điều chỉnh chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án để đảm bảo tiến độ thực hiện.

Tăng cường phối hợp các bộ, ngành

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Ban Chỉ đạo 896) vừa qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao các bộ, ngành bàn thảo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan.

Trong thời gian qua, Bộ Công an đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành trong quá trình triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trong đó, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Thông tư số 02/2017/TT-BTTTT ngày 04/4/2017 về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Thông tư số 13/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 quy định các yêu cầu kỹ thuật về kết nối hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với cơ sở quốc gia để đảm bảo kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương.

Ngày 24/10/2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã làm việc với Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc để thống nhất về giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh triển khai dữ án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng Phòng Tích hợp hệ thống, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tại buổi làm việc ngày 24/10/2019, lãnh đạo hai Bộ đã trao đổi phương án để thúc đẩy dự án sớm đưa vào vận hành đáp ứng xây dựng chính phủ điện tử. Sau đó, Cục Tin học hóa đã làm việc với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) để bàn và thống nhất với nhau hướng đi, huy động được nguồn lực để năm 2020 sẽ có một số địa phương đưa cơ sở dữ liệu dân cư vào hoạt động.

"Ngoài ra sau khi hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thì nhiệm vụ chính nhất là chia sẻ, kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Do đó phải phối hợp xây dựng các cơ chế, quy trình để đảm bảo an toàn thông tin, cũng như phục vụ kết nối, chia sẻ, sử dụng thông tin dùng chung" - ông Tuấn cho biết.

Ngày 9/12/2019 vừa qua, Cổng dịch vụ công quốc gia chính thức ra mắt. Đây là một bước, một dấu mốc quan trọng trong triển khai Chính phủ điện tử. Trong đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an chủ trì xây dựng là một thành tố quan trọng, có vai trò nền tảng trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Đến nay, việc tổ chức triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đạt một số kết quả hết sức quan trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án cần triển khai rất nhiều hạng mục công việc. Đây là dự án về công nghệ thông tin lớn, triển khai trong thời gian ngắn, phạm vi triển khai rộng (đến tận cấp xã), trình tự thủ tục pháp lý phức tạp, nhân lực cán bộ, chiến sỹ về công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế,...

Đồng thời, thời hạn của việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung này theo yêu cầu của Luật Căn cước công dân, Đề án 896,... ngày càng đến gần. Vì vậy nếu không được bố trí đủ nguồn vốn, triển khai sớm các nhiệm vụ thì rất khó để đảm bảo tiến độ thực hiện.

Bài cuối: Sẽ triển khai cấp căn cước công dân trên toàn quốc

Xuân Tùng (TTXVN)
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - Bài 3: Nhiều kinh nghiệm hay trong phối hợp công tác
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - Bài 3: Nhiều kinh nghiệm hay trong phối hợp công tác

Đặc thù của hệ thống cơ sở quốc gia về dân cư là triển khai trên tất cả 63 tỉnh, thành, với đủ các vùng miền, dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Nên nhiều địa phương đã có sáng kiến, có những biện pháp thu thập thông tin dân cư rất hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN