Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - Bài 2: Xây dựng hệ thống dữ liệu gốc chuẩn xác

Việc tổ chức thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất để hướng đến một hệ thống dùng chung cho các ngành, lĩnh vực và chính quyền các cấp. Do đó, yêu cầu về sự toàn diện và tính chuẩn xác của thông tin dân cư là yêu cầu rất quan trọng và đã được lực lượng Công an tập trung triển khai trong thời gian qua.

Rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện thông tin

Quá trình thu thập thông tin dân cư liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực; với đặc thù quản lý dân cư hiện nay là thủ công, chưa có sự kết nối, chia sẻ, trao đổi thông tin, chính vì vậy thông tin thu thập dữ liệu công dân trong thời gian qua đã phát hiện nhiều tồn tại, thiếu sót cả về công tác quản lý và thông tin khai báo của người dân.

Qua công tác này, Công an các đơn vị, địa phương còn thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện thông tin về ngày, tháng, năm sinh trong sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân thống nhất với hồ sơ bảo hiểm xã hội, các giấy tờ khác của công dân.

Là một tỉnh vùng núi phía Bắc với nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, thời gian qua, tỉnh Lào Cai không chỉ làm tốt công tác thu thập thông tin dân cư, mà qua đó, Công an tỉnh đã rà soát, điều chỉnh thông tin nhân khẩu chuẩn cho hàng nghìn người dân.

Như trường hợp của ông N.Q.O. (phường Kim Tân, thành phố Lào Cai) đi bộ đội từ ngày 7/4/1975 đến năm 1980 phục viên, ra quân về địa phương do bị thất lạc giấy tờ nên chưa nhập được khẩu về với gia đình, không có giấy tờ tùy thân.

Qua quá trình thu thập thông tin dân cư, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Lào Cai đã kiểm tra, xác minh hồ sơ của ông N.Q.O. tại các đơn vị quân đội mà ông từng công tác; làm việc với các đồng đội cùng nhập ngũ và công tác trong quân đội với ông N.Q.O.

Sau quá trình xác minh, ngày 26/7/2019, Công an thành phố Lào Cai đã nhập khẩu cho ông N.Q.O sau 39 năm không có giấy tờ tùy thân, hiện tại ông N.Q.O. đã được các cơ quan cấp chứng minh thư, bảo hiểm y tế, giấy khai sinh, đăng ký kết hôn.

Sau này, ông N.Q.O có thư cảm ơn gửi lực lượng Công an. Trong thư ông N.Q.O. viết: “Trong thâm tâm tôi cảm thấy vui mừng không kể xiết, không diễn tả bằng lời nói, từ lúc tôi được cầm chứng minh thư mang tên tôi, tôi như được sinh ra thêm một lần nữa, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến Ban Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai, các đồng chí thuộc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính".

Hay như trường hợp bà H.T.A (bản Khuổi Phường, xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên) có đến 4 năm sinh khác nhau trong các loại giấy tờ: 1933, 1934, 1935, 1949. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, xác minh, Công an tỉnh đã xác định được sinh năm 1934 là phù hợp với các giấy tờ, tài liệu gốc. Công an tỉnh hướng dẫn thủ tục điều chỉnh thống nhất thông tin trong các loại giấy tờ cho bà H.T.A; đồng thời đề nghị UBND huyện Bảo Yên cải chính thông tin về ngày, tháng, năm sinh trong giấy khai sinh cho bà.

Qua thu thập thông tin, phát hiện đối tượng truy nã giả giấy tờ tùy thân

Thực tiễn thời gian qua, thẩm quyền giải quyết thường trú, xóa đăng ký thường trú, cấp giấy chuyển hộ khẩu được phân cấp cho Trưởng Công an xã, thị trấn thuộc huyện. Tuy việc này tạo thuận lợi cho nhân dân, song nhiều nơi, trình độ năng lực của lực lượng Công an xã, thị trấn còn yếu. Có nơi không làm hết chức năng, nhiệm vụ được phân công, thậm chí còn làm sai, nhập khống, cắt khống hộ khẩu cho cả đối tượng truy nã.

Qua công tác thu thập thông tin dân cư, lực lượng Công an đã phát hiện nhiều trường hợp truy nã, hoặc cấp khống chứng minh thư, hộ khẩu... từ đó có biện pháp xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Một vụ việc điển hình theo báo cáo của Công an tỉnh Lào Cai, năm 2019 Công an tỉnh Lào Cai phát hiện ông Bùi Thanh Nhập, nguyên Phó trưởng Công an xã Sơn Hải nhập khống hộ khẩu cho Mạc Thị Thu Huyền (sinh ngày 25/8/1984) vào một hộ gia đình tại thôn Tân Lập, xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng.

Trong quá trình rà soát thông tin, lực lượng Công an phát hiện Mạc Thị Thu Huyền trùng khớp vân tay, ảnh với Mạc Thị Vân (sinh ngày 25/8/1974, là đối tượng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hải Phòng khởi tố về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và ra lệnh cấm xuất cảnh đến tháng 11/2020).

Sau khi phát hiện sai phạm, Phòng Cảnh sát Quản lý trật tự hành chính về trật tự xã hội đã tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo Công an huyện Bảo Thắng lập hồ sơ, ra quyết định hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật của Công an xã Sơn Hải cho Mạc Thị Thu Huyền; phối hợp với UBND xã Sơn Hải tiến hành kiểm điểm, báo cáo, đề xuất Huyện ủy, UBND huyện Bảo Thắng xử lý, kỷ luật theo quy định đối với sai phạm của ông Bùi Thanh Nhập. UBND xã Sơn Hải đã ra quyết đinh xử lý buộc thôi việc đối với ông Bùi Thanh Nhập. Hiện tại Mạc Thị Thu Huyền (Mạc Thị Vân) đã bị cơ quan Công an bắt giam.

Theo Thượng tá Hoàng Văn Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Lào Cai, quá trình thu thập thông tin dân cư tại Lào Cai, lực lượng Công an đã phối hợp với các lực lượng chức năng khắc phục nhiều tồn tại, khó khăn nhằm đảm bảo tiến độ, tính chính xác của dữ liệu dân cư.

Trong đó, phạm vi địa bàn rộng, đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, nhiều nơi người dân còn chưa biết chữ,... Các trường hợp thông tin, đặc biệt là về ngày, tháng, năm sinh của nhiều người dân tộc thiểu số bị thiếu sót, hoặc trùng lặp... Do đó, lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp để rà soát để đảm bảo thu thập được thông tin gốc chuẩn xác. Qua công tác thu thập, lực lượng Công an còn phát hiện nhiều trường hợp đối tượng truy nã, trường hợp cán bộ vi phạm quy định về cấp giấy tờ công dân; đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Đại tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 896 quốc gia cho biết: Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 896, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình, kết quả, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Đề án 896 năm 2019. Qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện, đồng thời hướng dẫn Công an các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề ra các giải pháp để chấn chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện đề án trong thời gian tới.

"Qua đó để chúng ta tạo được thông tin gốc cơ bản nhất cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo đây là cơ sở dùng chung duy nhất, các ngành, các lĩnh vực khác căn cứ thông tin cơ bản này để phục vụ công tác quản lý hành chính, phục vụ cho người dân" - Đại tá Phú nhấn mạnh.

Cũng trong quá trình triển khai thu thập thông tin dân cư, một số vướng mắc trong thông tin về tôn giáo, dân tộc, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ban Tôn giáo Chính phủ để tìm ra hướng tháo gỡ vướng mắc về trường hợp thông tin này.

Bài 3 - Nhiều kinh nghiệm hay trong phối hợp công tác

Xuân Tùng (TTXVN)
Xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - Bài 1: Cơ bản hoàn thành thu thập thông tin về dân cư
Xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - Bài 1: Cơ bản hoàn thành thu thập thông tin về dân cư

Công tác thu thập thông tin về dân cư được xác định là khâu đầu tiên, có ý nghĩa hết sức quan trọng quyết định đến sự thành công của cả hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN