Có thu nhập, thêm trải nghiệm
N.Đ.T, sinh viên K44 ngành Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Hè năm nay là kỳ nghỉ hè đầu tiên trong đời sinh viên, song em quyết định chưa về quê tại Thừa Thiên -Huế ngay, mà ở lại TP Hồ Chí Minh tranh thủ làm thêm trong một nhà hàng hơn 1 tháng. Sau đó em sẽ về thăm nhà trước khi bước vào năm học mới.
Theo T, em ở lại thành phố làm thêm dịp hè không phải vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, mà em muốn bản thân được thử thách, trải nghiệm từ những công việc đơn giản nhất trong nhà hàng như bưng bê đồ ăn, phụ rửa ly, chén…
Mỗi ca làm việc kéo dài khoảng 4-6 giờ, T được trả thù lao 22.000 đồng/giờ. Theo T, đi làm thêm em thấy mình học hỏi được nhiều điều như tính kỷ luật, cách giao tiếp, trả lời, ứng xử với từng đối tượng khách hàng, tính kiên trì, bình tĩnh… Em cũng thấy trân trọng hơn đồng tiền mà mình có được nên mua sắm tiết kiệm hơn.
Còn Đ.T.TH - sinh viên ngành Tiếng Anh Thương mại, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh lại chia sẻ: Ngay từ lúc chưa bước vào kỳ nghỉ hè, em đã quyết định đi làm thêm buổi tối để vừa có kinh nghiệm, được thực hành giao tiếp tiếng Anh với khách nước ngoài, lại có kinh phí trang trải cho cuộc sống của một sinh viên xa nhà.
Bố mẹ của Đ.T.TH là nông dân ở Đắk Lắk, thu nhập có hạn. Dịp hè, TH đã quyết định không về quê và nhận làm cả ca sáng và tối tại một nhà hàng để có tiền học thêm ngoại ngữ thứ hai, trả tiền nhà trọ khi bước vào năm học mới.
Theo đại diện Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP Hồ Chí Minh, để tạo điều kiện cho sinh viên tìm được việc làm thêm phù hợp dịp hè, Trung tâm đã kết nối với nhiều doanh nghiệp, đơn vị tổ chức chương trình “Việc làm hè năm 2019”. Qua đó, Trung tâm giới thiệu nhiều vị trí việc làm thêm dịp hè cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Các công việc làm thêm dành cho sinh viên dịp hè mà Trung tâm nhận được yêu cầu từ doanh nghiệp cũng khá đa dạng, từ những việc liên quan đến chuyên môn, ngành học của sinh viên như: Dịch thuật, hỗ trợ hướng dẫn khách du lịch, khảo sát khách hàng, gia sư, trợ giảng tại các trung tâm ngoại ngữ… cho đến công việc giản đơn, thủ công như: Dán nhãn bao bì sản phẩm, đóng gói hàng…
Nên tìm hiểu kỹ và chọn việc phù hợp
Bên cạnh mặt tích cực, việc sinh viên đi làm thêm, nhất là trong dịp hè cũng nảy sinh một số hệ lụy, phức tạp. Một số sinh viên cho biết, khi họ tìm đến các địa chỉ quảng cáo là tuyển dụng nhân viên được dán ở bến xe buýt, cột điện… mới "té ngửa" vì đó chỉ là công ty trung gian đứng ra môi giới tuyển dụng.
Không những thế, có khi các đơn vị trung gian này còn đưa ra yêu cầu như: Đóng phí đặt cọc, mua hồ sơ với giá khá cao hoặc hứa hẹn rất “mù mờ” về mức thù lao nhận được sau những ngày thử việc không lương.
Một số đơn vị tuyển dụng lại đưa ra những ràng buộc nhất định như không chỉ làm thêm trong hơn 1-2 tháng hè, mà phải cam kết làm ít nhất 3 tháng liên tục hoặc sẽ bị trừ lương, thậm chí đền bù nếu khách hàng có phản hồi không tích cực bất kể do nguyên nhân gì. Bên cạnh đó, có những sinh viên, vì quá sốt ruột kiếm tiền đã nhận làm việc cả 3 ca: sáng, chiều, tối dẫn đến sức khỏe bị suy kiệt, ảnh hưởng đến việc học tập khi bước vào năm học mới.
Cô Nguyễn Thị Kim Anh, giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho bết: Nhiều năm làm công tác giảng dạy, cô nhận thấy các sinh viên chịu khó tìm việc làm thêm dịp hè là rất đáng quý.
Từ công việc làm thêm, có em sau đó tìm được việc làm ổn định, phù hợp sau khi ra trường. Song để tìm được việc làm phù hợp, không gặp rủi ro, sinh viên nên tìm đến trung tâm hỗ trợ, giới thiệu có uy tín như các trung tâm của tổ chức Hội Sinh viên, Đoàn Thanh niên để được tư vấn, giới thiệu việc làm thêm.
Còn theo cô Đinh Thị Thắm, giảng viên Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Bình Thuận, trường đóng ngay trên địa bàn thành phố Phan Thiết - thành phố du lịch có đông du khách trong dịp hè. Một số sinh viên của trường đã tìm hiểu và chọn các việc để làm thêm phù hợp với chuyên ngành đang được học ở trường như: Kế toán phụ việc ở khu du lịch, làm phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch… Qua công việc làm thêm, nhiều em đã đúc rút được kinh nghiệm khá bổ ích liên quan đến ngành nghề đang theo học.
Cô Thắm cũng cho rằng sinh viên trước khi đi làm thêm cần tìm hiểu về nơi làm, công việc cụ thể được giao. Các em không nên chọn việc quá vất vả, cường độ làm việc cao hoặc nơi làm việc phức tạp, vì với sinh viên, việc học tập là quan trọng nhất. Có như vậy, sau khi ra trường các em mới có đủ kiến thức và kỹ năng để vững vàng làm việc.