Các ngành, địa phương tỉnh đang khẩn trương huy động lực lượng cùng người dân khắc phục hậu quả.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh, lượng mưa đo được ở một số địa phương trên địa bàn trung bình trên 250 mm. Nhiều nơi có lượng mưa lớn như huyện Tam Đảo trên 800mm, thành phố Vĩnh Yên trên 470 mm, huyện Tam Dương 448 mm…
Mưa lớn đã gây sạt lở tuyến đường Quốc lộ 2B khu vực đường đèo độc đạo dài khoảng 13 km từ chân núi lên đến danh thắng Tam Đảo. Hàng trăm mét khối đất đá trên núi sạt lở, tràn xuống lòng đường tại các vị trí thuộc Km13, 14, 21 đường lên Tam Đảo. Nước tiếp tục chảy từ trên các khe núi hòa với đất tạo thành bùn nhão khiến mặt đường bị trơn trượt, lưu thông khó khăn.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh phối hợp với các xã, thị trấn lập chốt kiểm soát để phân luồng, hướng dẫn người dân tham gia giao thông; đồng thời khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở.
Ngoài ra, mưa kéo dài trên địa bàn đã khiến hoa màu của người dân bị ngập úng, có nguy cơ bị thiệt hại. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc cho biết, đã có hơn 4.900ha lúa và cây hoa màu bị ngập úng, hơn 23ha thủy sản bị ảnh hưởng.
Hiện nay, một số hồ, đập trên địa bàn tỉnh mức nước đã lên tới cao trình. Cụ thể, mực nước hồ Thanh Lanh đã lên tới +76,45m; mực nước hồ Đại Lải đã lên tới +21,08m. Để đảm bảo an toàn hồ, đập, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã quyết định xả tràn.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lũ, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các địa phương tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng, thấp thường xuyên xảy ra ngập úng; phối hợp với các xã, thị trấn theo dõi, cập nhật thông tin thời tiết; khuyến cáo người dân không di chuyển tại các khu vực gần sông, hồ dễ gặp hiện tượng sạt lở đất.