Quyết định số 71/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ) góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020” đã triển khai được gần 5 năm. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ người đi lao động từ các huyện nghèo vẫn đạt thấp, hiệu quả của đề án vì thế vẫn chưa phát huy được trong việc giúp người dân 62 huyện nghèo cả nước thoát nghèo bền vững thông qua xuất khẩu lao động.Người dân không mặn màVì nhiều lý do như tập quán, tâm lý; trình độ lao động; bệnh tật của bản thân… nên chính dân các huyện nghèo - đối tượng thụ hưởng của đề án; cũng tỏ ra không hào hứng tham gia XKLĐ.
Chị Lường Thị Nguyệt đã bỏ dở đi lao động xuất khẩu vì chồng không đồng ý. |
Năm 2010, chị Lường Thị Nguyệt (xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) đăng ký đi XKLĐ tại Malaysia. Chị Nguyệt được tham gia lớp đào tạo 3 tháng học nghề và học tiếng Anh, được vay vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đi XKLĐ. Mọi việc đều suôn sẻ, thậm chí chị Nguyệt đã được hỗ trợ hoàn tất mọi thủ tục, chỉ còn mỗi việc xách va li lên đường. Thế nhưng, chỉ vì chồng đổi ý không đồng ý cho đi, nên chị Nguyệt đành phải ở lại. “Bản thân tôi thì vẫn muốn đi XKLĐ để gia đình thoát nghèo, chứ trông chờ vào làm ruộng chỉ đủ ăn, nhưng vì chồng không cho đi nên đành chịu”, chị Lường Thị Nguyệt chia sẻ.
Đối với người lao động tại huyện nghèo, khó khăn lớn nhất hiện nay là nhận thức của người dân. Do điều kiện đặc thù, đi lại khó khăn cộng với tập quán ngại di chuyển, không muốn rời bỏ quê hương, bản làng đi nơi khác làm ăn, sinh sống, nhiều người không muốn tham gia XKLĐ. Các huyện nghèo đều nằm ở những vùng có trình độ dân trí thấp (60% có trình độ tiểu học trở xuống), nhiều người còn chưa thông thạo tiếng Kinh, chưa nói đến học tiếng nước ngoài, nhiều người sức khỏe không đảm bảo, tỷ lệ lao động mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh viêm gan B cao nên không đủ điều kiện để tham gia chương trình. |
Những trường hợp như chị Lường Thị Nguyệt khá phổ biến ở các huyện nghèo, nơi triển khai đề án hỗ trợ. Nào là vì chồng hoặc vợ không đồng ý, nào là vì ngại xa nhà, rồi ngại học hành khó khăn… nên rất nhiều người lao động đã đăng ký đi XKLĐ cuối cùng lại bỏ cuộc. Anh Đỗ Văn Lượng (Trạm Tấu, Yên Bái) chia sẻ: “Đối với chúng tôi khó nhất là học ngoại ngữ. Mới học được vài ngày đã có người bỏ vì khó tiếp thu; được một tháng thì chỉ còn nửa lớp. Bên cạnh đó, do phải đi học tận Sơn Tây (Hà Nội) nên nhiều người nhớ nhà, chân tay đã quen lao động nay phải vận dụng đầu óc học 4-5 tiếng/ngày, rất khó tiếp thu, thế nên dễ nản, dễ bỏ cuộc”.
Theo đại diện Sở LĐTBXH tỉnh Phú Thọ, do phong tục, tập quán của địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên rất đông người đăng ký đi lao động rồi lại bỏ giữa chừng. “Để mở được lớp, chúng tôi phải vận động, định hướng tuyên truyền cho người dân rất mất thời gian, nhưng rồi tới khi tham gia lớp học, thì người lao động lại thay đổi. Có lớp 100 lao động, thì tới 90 người bỏ cuộc vì lý do ngại xa nhà, ngại đi làm ăn xa. Thậm chí, dù đã đăng ký đi học để XKLĐ, nhưng người lao động vẫn nghe ngóng, dè chừng, chỉ cần có thông tin bất lợi như lương thấp, có thể có tai nạn… là họ bỏ cuộc ngay”, đại diện này chia sẻ.
Cùng chung “cảnh ngộ” này, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa cho biết: Người dân huyện nghèo chưa mặn mà với XKLĐ. Có năm, toàn tỉnh Thanh Hóa chỉ có 137 lao động ở các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài. Nhiều huyện như Mường Lát, Quang Hóa, Quan Sơn, thậm chí có năm không có trường hợp nào đi XKLĐ. “Vì tâm lý của người lao động ngại xa nhà là một phần. Bên cạnh đó còn do chất lượng lao động, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu, điều kiện của thị trường lao động, đặc biệt là các vị trí làm việc có thu nhập cao. Mặt khác, lao động thường bị loại khi làm thủ tục xuất cảnh do bị viêm gan B cao, chiếm tới 30% tổng số lao động sơ tuyển của tỉnh”, ông Nguyễn Quang Huy cho biết.
Doanh nghiệp thoái lui Đại diện Simco Sông Đà cho biết: Năm 2014, số lượng lao động đi XKLĐ giảm khoảng 50% so với năm trước. Nguyên nhân là do những bất cập của thực tế. Khi bắt đầu tuyển dụng người lao động, doanh nghiệp (DN) phải bỏ tất cả mọi khoản chi phí cho lao động huyện nghèo, từ vé xe, ăn uống, vật dụng cá nhân… và phải giữ hóa đơn chứng từ để Cục Quản lý lao động ngoài nước thanh toán theo Quyết định 71. Tuy nhiên, trên thực tế, số lao động đi XKLĐ chỉ chiếm 40%, thậm chí chỉ 20% so với số tuyển ban đầu; trong khi Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ thanh toán dựa trên đầu người đã được xuất cảnh, nên nhiều doanh nghiệp bị lỗ.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, đến nay có hơn 9.500 lao động tại các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài, trong đó lao động thuộc hộ nghèo và người dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. |
“Vì lý do kể trên, nên trong 10 tháng năm 2014, chúng tôi chỉ đưa được khoảng 60 lao động đi XKLĐ, bằng 50% so với năm trước. Nếu không có chính sách hỗ trợ DN, sẽ khó tiếp tục triển khai Quyết định 71”, đại diện Simco Sông Đà cho biết.
Bên cạnh khó khăn này, theo một số DN tham gia đề án, đối với vùng đồng bằng, việc tuyển lao động khá dễ dàng, thậm chí người lao động tự tìm đến DN để đăng ký. Trong khi muốn tuyển lao động tại vùng đồng bào dân tộc, đơn vị phải cử cán bộ cùng với chính quyền xã đi tuyên truyền, vận động, tư vấn XKLĐ rất vất vả, rồi phải bỏ vốn đầu tư ban đầu cho người lao động. Do đó, doanh nghiệp nếu không có tiềm lực vốn, am hiểu vùng đồng bào và có đơn hàng tốt thì sẽ dễ thoái lui.
Đó là chưa kể đến vấn đề vay vốn. Đại diện một số doanh nghiệp XKLĐ cho biết: Khi đã hoàn tất việc học, đối với nhiều lao động huyện nghèo, quá trình giải ngân gặp trở ngại như yêu cầu phải có vé máy bay, hoàn tất thủ tục visa mới được giải ngân… “Chính vì vậy, doanh nghiệp phải ứng trước và nếu không có tiềm lực kinh tế rất khó triển khai. Đồng thời, để lao động các huyện nghèo thay đổi nhận thức, chấp nhận rời quê hương đi làm ăn ở nước ngoài cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương từ tỉnh xuống huyện, xã, thôn, bản”, đại diện DN chia sẻ.
Chính vì khó khăn này, nên số lượng DN tham gia đề án ngày càng giảm. Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, trong số 33 DN đăng ký tham gia với hơn 300 hợp đồng cung ứng lao động, đến thời điểm này chỉ còn lại vài DN tiếp tục đồng hành cùng đề án.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH:
Đây là nhiệm vụ chính trị
Chọn hướng đi XKLĐ tại huyện nghèo là trúng, nhưng triển khai gặp nhiều khó khăn. Nhân lực ở khu vực này thấp về cả thể lực, trí lực, thói quen, địa bàn lại cũng khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp XKLĐ tại huyện nghèo đang làm nhiệm vụ chính trị do Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu. Do đó, vẫn phải kiên trì triển khai XKLĐ tại huyện nghèo, tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ phù hợp doanh nghiệp.
Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội:
Phải phù hợp với địa bàn
Việc triển khai đề án 71 dù không hoàn thành mục tiêu đề ra, nhưng vẫn phải tiếp tục làm. Tuy nhiên khi triển khai tiếp, có thể thu gọn lại đối tượng và tính đến đặc điểm miền núi, dân tộc, khả năng đáp ứng về tay nghề và ngoại ngữ còn hạn chế nhất định của người dân khu vực này. Bên cạnh đó là phong tục tập quán gắn bó với môi trường, dòng tộc và đi xa là không hào hứng. Thực tế có một số địa phương làm tốt công tác XKLĐ như tại Yên Bái, qua giám sát cho thấy có những hộ đi XKLĐ đã đổi đời. Do đó, vẫn phải làm và theo hướng chất lượng, không tham diện rộng.
Ông Ngô Trường Thi, Chánh văn phòng giảm nghèo quốc gia:
Gắn trách nhiệm của địa phương
Mới đây, tôi có kiểm tra việc XKLĐ tại các huyện nghèo Cao Bằng và Bắc Kạn; có một thực tế XKLĐ chưa tốt có vai trò lớn của địa phương. Đơn cử như Cao Bằng có 5 huyện nghèo, trong 5 năm, chỉ có 67 lao động đi xuất khẩu lao động. Có huyện mở tới 34 lớp tư vấn, nhưng chỉ có 30 người đi XKLĐ. Trong đó, Bắc Kạn có tới gần 700 người đi XKLĐ, do công tác này được địa phương quan tâm làm tốt. |
Xuân Minh - Thanh Thanh - Trần Duy Hưng