Xuất khẩu lao động: Không chạy theo số lượng

Bà Hoàng Kim Ngọc (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước đã trả lời phóng viên báo Tin Tức xung quanh những giải pháp đối với hoạt động xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo theo hướng chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng.


Thưa bà, trước việc hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) huyện nghèo không đạt mục tiêu, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ có những giải pháp nào?

Số lượng lao động tại các huyện nghèo không đạt mục tiêu, có nhiều nguyên nhân, nhất là số lượng lao động đi XKLĐ thực tế ít hơn rất nhiều so với số lượng đăng ký, bởi phải đạt yêu cầu của nhà tuyển dụng với quá trình chọn lọc và đào tạo.

Trước tiên là điều kiện về sức khỏe, qua quá trình tuyển chọn, có những nơi tới 40-50% người tuyển không đáp ứng được sức khỏe như chiều cao, cân nặng hoặc các bệnh mà các nước tiếp nhận lao động đến yêu cầu như lao, viêm gan B…

Lựa chọn xong phải qua đào tạo, như thị trường Nhật Bản phải đào tạo 6-8 tháng. Lao động trong quá trình đào tạo đã xin về nhiều. Có những doanh nghiệp (DN) khi chúng tôi khảo sát, đến 60% số lao động đang đào tạo đã xin về vì không quen với áp lực đào tạo 6 tiếng liên tục. Quan điểm của DN và cơ quan quản lý là để tạo điều kiện tối đa để lao động tiếp cận XKLĐ, nhưng không đưa lao động đi bằng mọi giá. Những lao động nào có ý chí, thích nghi điều kiện làm việc cường độ cao ở các khu công nghiệp, thì tuyển chọn đưa đi.

Theo thống kê, chỉ có 55% số lao động hoàn thành khóa đào tạo. Số lao động xin về do nhiều yếu tố về phong tục tập quán, thói quen… tác động tới kết quả thực hiện. Có những lao động sau 1 thời gian xuất khẩu đã xin về, do vi phạm kỷ luật, quy định của đối tác.

Trong thời gian tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ cùng các DN, địa phương, tăng cường tuyển chọn đào tạo, lựa chọn lao động đưa đi XKLĐ.

Các doanh nghiệp XKLĐ đang kêu lỗ khi triển khai đưa lao động huyện nghèo đi lao động xuất khẩu, Cục sẽ có những kiến nghị nào để hỗ trợ DN, thưa bà?

Trong Quyết định 71 QĐ-CP, nội dung chính sách về hỗ trợ cơ bản là toàn diện. Tuy nhiên, so với điều kiện đưa ra từ năm 2009, thì mức hỗ trợ không còn phù hợp. Người lao động tại huyện nghèo khi về cơ sở đào tạo được nuôi toàn bộ từ ăn ở, đi lại. Do đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước kiến nghị trong thời gian tới Nhà nước cho phép điều chỉnh mức hỗ trợ và sẽ báo cáo đề xuất sửa đổi.

Để đưa được lao động tại huyện nghèo đi XKLĐ theo Quyết định 71, cán bộ phải xuống địa bàn, nằm ở bản cả tháng để vận động, tốn nhiều công sức trong khi không được thu hơn quy định. Theo tính toán, chi phí trung bình tuyển chọn lao động ở huyện nghèo cao hơn các địa bàn khác từ 3 - 4 triệu đồng. Đó là chưa kể trong quá trình đào tạo, lao động bỏ về, trong khi thanh toán, DN chỉ được thanh toán cho số lượng lao động đưa đi. Do đó, đối với DN XKLĐ triển khai tại huyện nghèo phải có chính sách phù hợp.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Xuân Minh - Thanh Thanh - Trần Duy Hưng

Vẫn khó xuất khẩu lao động tại huyện nghèo
Vẫn khó xuất khẩu lao động tại huyện nghèo

Quyết định số 71/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ) góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020” đã triển khai được gần 5 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN