Năm nay, với chủ đề “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, Tháng Thanh niên là dịp cao điểm để sức trẻ được huy động tối đa nhằm tạo những chuyển biến tích cực về mọi mặt cho nông thôn Việt Nam. Phóng viên Báo Tin tức đã phỏng vấn Bí thư thường trực TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi (ảnh) về vai trò, nhiệm vụ của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.
Xin anh cho biết những nhiệm vụ của thanh niên trong Tháng Thanh niên năm 2012?Tháng 7/2011, Ban Bí thư Trung ương Đoàn phát động kế hoạch “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”. Tháng Thanh niên năm 2012 cũng được Ban Bí thư chọn chủ đề như vậy, nhằm hướng đến hai mục đích. Trước hết là triển khai cụ thể hơn nữa bản kế hoạch đã được phát động từ tháng 7 năm ngoái với những nội dung, việc làm, lộ trình cụ thể. Thứ hai là thực hiện theo chỉ đạo chung của Đảng, Chính phủ. Từ đó, chọn chủ đề thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới là một trong những nội dung trọng tâm xuyên suốt các hoạt động phong trào của Đoàn trong cả năm. Riêng Tháng Thanh niên này và Chiến dịch hè sắp tới là hai đợt cao điểm.
Đội Thanh niên tình nguyện Xanh xã Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội làm vệ sinh thu gom rác thải đường làng, ngõ xóm. Ảnh: Đình Trân - TTXVN |
Xác định nội dung đó, một mặt, Ban Bí thư TƯ Đoàn muốn tạo cơ hội cho thanh niên phát huy sức trẻ trong vai trò xung kích. Đồng thời, cũng có thể thấy, khi địa phương đã trở thành nông thôn mới thì đương nhiên tạo ra một môi trường cho chính thanh niên phát triển. Như vậy, thanh niên đóng góp để xây dựng nông thôn mới và khi đạt được thành quả đó rồi thì chính thanh niên lại là đối tượng được thụ hưởng.
Trong kế hoạch đó, TƯ Đoàn đã xác định tổ chức Đoàn Thanh niên làm 3 nhóm việc: Trước hết là tuyên truyền, làm cho mọi người hiểu được xây dựng nông thôn mới là gì, cụ thể ở địa phương mình lộ trình xây dựng nông thôn mới như thế nào, từng gia đình, từng cá nhân tham gia như thế nào. Tránh việc nghĩ xây dựng nông thôn mới là việc của Nhà nước.
Nhóm việc tiếp theo là xây dựng tổ chức của Đoàn trên địa bàn cho mạnh. Bởi vì, một trong những tiêu chí của nông thôn mới là hệ thống chính trị vững mạnh. Đoàn vững mạnh góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.
Sau cùng là các cấp bộ đoàn và tuổi trẻ sẽ xung kích đảm nhận thực hiện một số tiêu chí theo kế hoạch chung tùy thuộc khả năng và điều kiện của mình. Có nơi, Đoàn thanh niên nhận nhiệm vụ tham gia xây dựng giao thông nông thôn, có nơi chọn bảo vệ cảnh quan môi trường, phát huy các thiết chế văn hóa...
Thưa anh, có khó khăn nào khi triển khai chương trình này rộng khắp từ Trung ương tới địa phương?
Ban Bí thư cũng nhận thấy những khó khăn không nhỏ sẽ gặp phải khi triển khai kế hoạch này. Đó là sự hạn chế về năng lực tổ chức của các cấp bộ đoàn ở cơ sở. Nếu các thủ lĩnh đoàn ở địa phương mà năng nổ, tự xác định được nhóm nhiệm vụ mà thanh niên cần đảm nhiệm trong số các tiêu chí và chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương mình cần đạt đến, từ đó có kế hoạch công việc rõ ràng thì việc thực hiện sẽ thuận lợi. Nhưng ngược lại, không ít nơi, thủ lĩnh đoàn ở địa phương chưa được như thế.
Nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới đòi hỏi rất lớn, trong khi đó, hiện nay, ở nông thôn lại hạn chế điều này. Đây cũng là khó khăn.
Bên cạnh đó, nhận thức cũng là một trở ngại. Nhiều người dân vẫn chưa xác định được rằng xây dựng nông thôn mới là việc của từng cá nhân, hộ gia đình mà cứ nghĩ do Nhà nước làm hết, Nhà nước rót vốn về hết. Như vậy là nhận thức của người dân nông thôn chưa đồng bộ.
Vì thế, sự tham gia của Đoàn thanh niên, với những nhiệm vụ như tôi đã nói trên đây là để góp phần hóa giải được dần những khó khăn này. Tất nhiên, vấn đề thay đổi nhận thức không thể ngày một, ngày hai được, cần phải hàng năm trời. Thậm chí, nếu làm không tốt, có thể 5 năm nữa, khó khăn này vẫn còn được nhắc đến khi chúng ta tiến hành sơ kết giai đoạn 1 của kế hoạch.
Thưa anh, tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm để nâng cao đời sống cho nông dân là vấn đề hiện nay nhiều nơi kêu khó. Theo nhiều ý kiến, nếu vận động được những doanh nghiệp trẻ, tuổi trẻ về nông thôn thì sẽ tăng vai trò và hiệu quả xây dựng nông thôn mới của Đoàn Thanh niên. Vậy TƯ Đoàn đã tính đến việc thu hút những sức trẻ này về xây dựng nông thôn mới chưa?
Đúng, thực tế đây là vấn đề khó khăn với nhiều địa phương. Đoàn thanh niên sẽ tham gia ở một số việc như sau: Rà soát lại, thống kê xem tại địa phương có những nhóm hộ gia đình nào nghèo có thanh niên, từ đó thông qua việc hướng dẫn các bạn vay vốn hỗ trợ để phát triển kinh tế. Đoàn cũng tiếp tục mở rộng việc hình thành các tổ hợp tác thanh niên để các bạn trẻ có cơ hội giúp nhau trong sản xuất; từ đó, góp phần thay đổi dần tập quán canh tác, xây dựng các thương hiệu lớn cho sản phẩm nông nghiệp. Cuối cùng, đó là khuyến khích doanh nghiệp trẻ đầu tư về nông thôn.
Tuy nhiên, qua việc gặp và trao đổi với những doanh nghiệp trẻ, chúng tôi nhận thấy tâm tư họ còn nhiều băn khoăn. Mặc dù việc đưa trụ sở sản xuất về nông thôn sẽ giúp họ gần với nguồn nguyên liệu và nguồn lao động nhưng họ vẫn còn ái ngại. TƯ Đoàn đang ghi nhận thêm nhiều ý kiến để có thể tham mưu về chính sách cho vấn đề này, chẳng hạn: Hỗ trợ về đất đai, vay vốn, xây dựng hạ tầng cơ sở hoặc quy hoạch phát triển kinh tế địa phương… Có như vậy thì việc “kéo” doanh nghiệp trẻ nhìn về nông thôn mới khả thi.
Xin cảm ơn anh!