Đó là nhận định về xu thế xâm nhập mặn từ ngày 11-20/5 tại các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long của ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết ngày 10/5.
Cụ thể, chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau:
Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 90-130km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại có phạm vi xâm nhập mặn 55-70km; Sông Hàm Luông có phạm vi xâm nhập mặn 65-80km; Sông Hậu, Cổ Chiên có phạm vi xâm nhập mặn 45-50km; Sông Cái Lớn có phạm vi xâm nhập mặn 52-58km.
Chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 80-120km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại có phạm vi xâm nhập mặn 50-55km; Sông Hàm Luông có phạm vi xâm nhập mặn 60-75km; Sông Cổ Chiên, sông Hậu có phạm vi xâm nhập mặn 35-42km; Sông Cái Lớn có phạm vi xâm nhập mặn 45-52km.
Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cấp độ 1-2.
"Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu thế giảm dần nhưng vẫn còn ở mức cao, các địa phương trước khi lấy nước ngọt, tưới cho cây trồng, cây ăn trái cần kiểm tra chặt chẽ nồng độ mặn", ông Phùng Tiến Dũng nhấn mạnh.