Theo ông Dư Bé Ba, ngay khi sự cố xảy ra, huyện cùng Công ty Lâm nghiệp U Minh hạ đã có mặt tại hiện trường, huy động phương tiện, máy móc… để tập trung khắc phục sự cố.
Theo tính toán của ngành chuyên môn, sự cố đã làm cho mực nước mặn tràn vào khu vực lâm phần nhưng không đáng kể, với khoảng 0,09m. Sự cố vỡ đập làm nhiễm mặn vùng ngọt hóa, nhưng mực nước trên các tuyến kênh là thấp, bên cạnh đó, người dân không sử dụng nước ở kênh để tưới tiêu, phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, việc nước mặn xâm nhập vào nội đồng cũng ảnh hưởng một phần đến nguồn lợi thủy sản nước ngọt.
Về nguyên nhân gây nên sự cố vỡ đập, theo nhận định của cơ quan chức năng của huyện U Minh là do nắng hạn kéo dài, chênh lệch mực nước giữa bên trong và bên ngoài khá cao, bên cạnh đó, do xuất hiện triều cường lên cao đột ngột tràn qua và gây xoáy mòn mặt đập, từ đó gây ra sự cố trên.
"Sự cố vỡ đập không ảnh hưởng đến cây rừng, hoa màu và cây ăn trái của vùng này. Vì vậy, huyện U Minh không thực hiện biện pháp bơm nước nhiễm mặn ra ngoài. Một phần lý do là thời điểm này dễ gây sụt lún đất và dự báo trong đầu tháng 5 này sẽ mưa trên diện rộng", ông Dư Bé Ba thông tin thêm.
Trước đó, ngày 28/4, tại đập kênh Hai Chu, xã Nguyễn Phích đã bị vỡ với chiều dài khoảng 3m, nước mặn đã tràn vào bên trong khu vực giữ ngọt. Trong ngày 29/4, sự cố đã được khắc phục xong. Tuy nhiên, đến tối ngày 30/4, triều cường đột ngột dâng cao đã tràn nước qua đập, gây xói lở và vỡ đập Kinh Đứng và đập kênh Hai Chu. Qua đo đạc bước đầu, hai con đập ngăn mặn nêu trên bị vỡ một đoạn với chiều ngang khoảng 3m, rộng 3m.
Sau khi sự cố xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ (Công ty Lâm nghiệp U Minh hạ) tiếp tục hỗ trợ UBND huyện U Minh chỉ đạo gia cố an toàn các con đập bị vỡ, bảo đảm ngăn mặn, giữ ngọt.
Các ngành chức năng có liên quan tổ chức khảo sát, thống kê, đánh giá các biện pháp khắc phục phù hợp theo đúng quy định; đồng thời, phối hợp với UBND các huyện U Minh, Trần Văn Thời và các chủ rừng tại khu vực U Minh Hạ khẩn trương kiểm tra toàn bộ hệ thống đê, cống, đập khu vực quy hoạch vùng ngọt hóa. Qua đó có biện pháp gia cố, xử lý thích hợp đối với các vị trí có nguy cơ mất an toàn (nếu có), không để xảy ra vỡ đê, đập hoặc để nước rò rỉ vào vùng quy hoạch ngọt hóa.