Mở rộng phạm vi trợ giá xe buýt
Ghi nhận trên các tuyến xe buýt như: số 1, 69, 6, 8, 152... hiện nay đã nhận được những phản hồi tích cực từ hành khách so với những năm trước đây. Các tuyến xe buýt này, đã được đầu tư xe mới, tăng cường các dịch vụ tiện ích lắp đặt màn hình tra cứu thông tin, bản đồ điện tử hiển thị các tuyến xe buýt tại các nhà chờ, đầu tư các trạm trung chuyển, nhà chờ mới hiện đại có camera quan sát thông minh... Đặc biệt, đội ngũ nhân viên lái xe, phục vụ các tuyến này cũng cũng tận tình hơn, nhã nhặn hơn trước. Cụ thể, vào giữa tháng 8, ngành vận tải hành khách công cộng thành phố cũng đã thí điểm ứng dụng việc thanh toán tự động cho xe buýt trên một số tuyến và đầu tư thêm 19 chiếc xe buýt mới cho tuyến 69.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2020, xe buýt sẽ đóng vai trò kết nối các hình thức giao thông khác, giảm phương tiện cá nhân. Do đó, việc trợ giá xe buýt để phát triển loại hình này bền vững là cần thiết và cần được duy trì. Cụ thể từ khi TP Hồ Chí Minh khôi phục việc trợ giá cho xe buýt (từ năm 2002 đến nay), chất lượng dịch vụ và số lượng hành khách đang tăng lên, trong khi tỉ lệ trợ giá ngày càng giảm. Thời gian đầu tỉ lệ trợ giá cao đến 70% nhưng ba năm gần đây tỉ lệ trợ giá được kiểm soát còn khoảng 40%. Mức trợ giá này thấp nhất theo ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành lân cận.
Ông Lâm dẫn chứng, năm 2002, toàn thành phố có 45 tuyến xe buýt được trợ giá với 2.100 xe buýt vận chuyển khoảng 157 hành khách /ngày. Đến nay, số tuyến trợ giá đã tăng lên 103 tuyến với 2.500 phương tiện, vận chuyển khoảng 650.000 – 700.000 hàng khách/ngày. Để phát huy hiệu quả trợ giá xe buýt và thu hút đông hành khách hơn, hiện thành phố đã nhân rộng phạm vi trợ giá xe buýt ở tất cả tuyến xe buýt đang hoạt động trên địa bàn. Trung bình mỗi năm TP Hồ Chí Minh chi gần 1.000 tỷ đồng cho hoạt động trợ giá xe buýt để giảm giá vé cho hành khách.
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP Hồ Chí Minh cho biết, chỉ tiêu đáp ứng nhu cầu đi lại của vận tải hành khách công công đô thị năm 2019 là 11,2% và năm 2020 là 15% vì vậy, để đạt được chỉ tiêu như trên, ngành VTHKCC đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nâng cao cao chất lượng dịch vụ để thu hút thêm hành khách sử dụng. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng dịch vụ vẫn còn rất nhiều khó khăn như, bến bãi cho hoạt động xe buýt hiện nay chỉ mới đạt khoảng 21% so với quy hoạch. Đặc thù khu vực nội thành người dân sinh sống trong nhiều tuyến hẻm nhỏ, khoảng cách đi bộ đến trạm xe buýt xa. Việc lấn chiếm vĩa hè làm nơi buôn bán phổ biến, làm cho tâm lý e ngại đi bộ cũng là nguyên nhân người dân ít sử dụng xe buýt. Bên cạnh đó, phương pháp trợ giá đang áp dụng hiện nay đã bộc lộ các bất cập, chưa tạo động lực để doanh nghiệp vận tải nâng cao sản lượng vận chuyển, cần phải điều chỉnh cho phù hợp để nâng cao hiệu quả…
Hướng đến xã hội hóa trợ giá xe buýt
Là đơn vị đang khai thác các tuyến xe buýt trợ giá, ông Nguyễn Tấn Tạo, Phó Giám đốc Hợp tác xã xe buýt 15 chỉ ra, hiện nay mật độ lưu thông của các loại xe trên đường quá đông, nhất là xe 2 bánh gắn máy, kẹt xe thường xuyên vào giờ cao điểm, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, chưa có đường dành riêng cho xe buýt, làm cho xe buýt không thể hoạt động đúng giờ, chạy sai lộ trình nên trể giờ đi học, đi làm của hành khách, xe buýt hiện nay chưa thực sự đúng giờ, còn trễ chuyến thường xuyên, một số tuyến có tình trạng bỏ chuyến. Mặt khác, các loại hình vận tải mới ra đời, cạnh tranh quyết liệt như xe ôm công nghệ hoạt động ngày đêm, từ đó người dân, học sinh dần ít đi xe buýt, sản lượng hành khách giảm hơn so với các năm trở về trước.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, tại thành phố hiện có khoảng 16.000 chuyến xe buýt/ngày, tính ra một năm có hơn 16 triệu chuyến xe buýt phục vụ người dân. Tại thành phố có khoảng 5.000 lái xe và nhân viên phục vụ trong hệ thống xe buýt. Tất cả các hoạt động của xe buýt được điều khiển bởi trung tâm điều hành, với 4.000 camera giám sát.
Giá vé xe buýt của TP Hồ Chí Minh hiện nay cũng khá rẻ, phù hợp với thu nhập của người dân nên được nhiều người dân chọn làm phương tiện đi lại. Cụ thể, giá xe buýt hỗ trợ hành khách phổ thông có giá 5.000 đồng/lượt đối với các tuyến có cự ly dưới 18km, các tuyến có cự ly trên 18 km gía vé ở mức 6.000 đồng/lượt, hành khách là sinh viên học sinh giá vé giảm mạnh còn 2.000 đồng/lượt. Riêng trẻ em dưới 1,3m và người già, người khuyết tật, thương bệnh binh được miễn hoàn toàn.
Ông Bùi Xuân Cường, nguyên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, phát triển vận tải hành khách công cộng được lãnh đạo TP Hồ Chí MInh rất quan tâm. Ngay từ năm 2002, TP Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình trợ giá cho hoạt động xe buýt, nhằm mục đích phát triển hoạt động xe buýt, với tiêu chí kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, ngành vận tải hành khách công cộng đang tồn tại nghịch lý, phương tiện, chất lượng ngày càng tăng nhưng lượng hành khách lại có xu hướng giảm. Điều này cho thấy ngành xe buýt cần phải đổi mới để đáp ứng theo kỳ vọng của người dân.
Để việc trợ giá xe buýt hiệu quả, khuyến khích người dân đi xe buýt tăng cao trong thời gian tới, theo ông Bùi Xuân Cường, trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố, các hợp tác xã cần đổi mới tư duy trong công tác quản trị, đầu tư đổi mới phương tiện, thái độ phục vụ của lái xe, nhân viên xe buýt khi phục vụ hành khách gắn với ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố cần đổi mới tư duy trong tạo nguồn thu từ quảng cáo xe buýt, hướng tới xã hội hóa hỗ trợ việc trợ giá xe buýt và đấu thầu trợ giá cạnh tranh, minh bạch.
Nói về chủ trương phát triển xe buýt trợ giá nhằm giảm lượng phương tiện cá nhân, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, tại các nước phát triển, sự văn minh trong giao thông không phải là đi xe sang mà là lượng hành khách tham gia vận tải hành khách công cộng nhiều hay ít. Do đó, nỗ lực của thành phố sắp tới là đầu tư ngân sách để nâng chất lượng phục vụ hành khách đối với xe buýt trợ giá và tạo thói quen sử dụng phương tiện công cộng ngày càng nhiều thay cho phương tiện cá nhân. Đây là cái lợi lớn nhất mà chính quyền thành phố đang hướng đến và mong muốn người dân đồng hành cùng chính quyền thành phố khi thực hiện.