Tổng hợp COVID-19 ngày 17/2: Học sinh mắc COVID-19 trong trường học liên tục tăng

Trong này 17/2, dư luận xã hội tiếp tục quan tâm đến các thông tin nổi bật liên quan đến: Đảm bảo đưa trẻ trở lại trường học an toàn, linh hoạt, tránh cực đoan; học sinh tại TP Hồ Chí Minh mắc COVID-19 trong trường học liên tục tăng; xây dựng chính sách về thị thực đối với khách du lịch nhập cảnh Việt Nam; Việt Nam có thêm 36.200 ca F0...

Đảm bảo đưa trẻ trở lại trường học an toàn, linh hoạt, tránh cực đoan

Với những nghiên cứu, dự báo về sự tồn tại lâu dài của virus SARS-CoV-2, các giải pháp đưa trẻ trở lại trường phải mang tính dài hơi, trên tinh thần chủ động, không mất cảnh giác, không cực đoan; thống nhất chỉ đạo và thực hiện trên cả nước nhưng không áp dụng máy móc, cứng nhắc giữa các địa phương có cấp độ dịch khác nhau, giữa đô thị và nông thôn…, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”.

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm đánh giá tình hình mở cửa trường học của các địa phương, diễn ra vào sáng 17/2, tại Trụ sở Chính phủ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho học sinh thành phố Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN.

Là địa bàn có quy mô trường học lớn nhất cả nước (hơn 12.800 trường) nhưng số ca mắc/ngày luôn dẫn đầu cả nước (gần 4.000 ca/ngày), tại cuộc họp, đại diện UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Y tế sớm có phác đồ điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 ở các cơ sở y tế, đặc biệt thông tin đến các gia đình nắm được để có biện pháp phòng, chống và điều trị; sớm có vaccine tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, nghiên cứu vaccine tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.

Cho rằng hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo về các trường hợp F1 khác nhau, lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại việc xác định các trường hợp F1 khi phát hiện học sinh mắc COVID-19 trong lớp nhằm thống nhất việc theo dõi sức khỏe và tổ chức đi học an toàn, ổn định.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, từ ngày 1-15/2, cả nước ghi nhận khoảng 329.000 ca mắc COVID-19, trong đó, số ca mắc từ 5-18 tuổi là 28.314 ca (chiếm khoảng 8,6% tổng số ca mắc); trẻ dưới 5 tuổi mắc COVID-19 khoảng 15.800 trường hợp (chiếm 4,8% tống số ca mắc). Ngày 29/12, Bộ Y tế đã có Hướng dẫn 11042/BYT-DP về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19, quy định thời gian điều trị, cách ly, xét nghiệm đối với ca mắc, trường hợp F1…

Phó Thủ tướng lưu ý, trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế; kiểm soát tốc độ lây nhiễm trong trường học; có phương án xử lý khi có F0, F1 hợp lý, nhất là liên tục cập nhật hướng dẫn điều trị… Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn xét nghiệm trong trường học; theo dõi sức khỏe trẻ em mắc bệnh nền hoặc có vấn đề về sức khỏe; thời gian cách ly tại nhà đối với trẻ em là F1...

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức, kiện toàn các phương thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình, như một phần của chương trình cải cách giáo dục, thay vì chỉ triển khai trong thời gian dịch bệnh.

Xây dựng chính sách về thị thực đối với khách du lịch nhập cảnh Việt Nam

Chiều 17/2, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, chia sẻ thông tin với báo chí về chính sách thị thực với du khách nước ngoài vào Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

Vừa qua, lãnh đạo Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm thống nhất nội dung quy định đón khách quốc tế, hoàn thiện các phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch; làm việc cụ thể với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan để có báo cáo chi tiết với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chính sách thị thực áp dụng đối với khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam.

Theo Người Phát ngôn, về cơ bản, các thủ tục, đối tượng cấp thị thực sẽ được tiếp tục thực hiện theo các quy định hiện hành của Việt Nam như Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

“Về phần mình, Bộ Ngoại giao, theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để hoàn thiện các phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch cũng như xây dựng chính sách về thị thực đối với khách du lịch nhập cảnh Việt Nam”, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết.

Chia sẻ thêm về tình hình các quốc gia, vùng lãnh thổ công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết:
Tính đến ngày 16/2, có 14 quốc gia và vùng lãnh thổ đồng ý công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam gồm: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philipinnes, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.

“Một số đối tác khác cũng đang xem xét, tích cực trao đổi thêm về chi tiết kỹ thuật và sẽ sớm khẳng định với chúng ta. Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đang tích cực vận động, trao đổi với các nước, thúc đẩy việc chính thức công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của công dân”, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.

Việt Nam hiện đang công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng hay còn gọi là hộ chiếu vaccine của 79 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các mẫu này đã được Bộ Ngoại giao các nước và vùng lãnh thổ, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thông báo chính thức với Bộ Ngoại giao Việt Nam.

TP Hồ Chí Minh: Học sinh mắc COVID-19 trong trường học liên tục tăng

Chiều 17/2, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 14/2 đến nay, khi TP Hồ Chí Minh tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh các khổi từ mầm non, tiểu học và học sinh lớp 6, số ca F0 phát hiện trong các trường liên tục tăng.

Chú thích ảnh
Trong những ngày qua, số học sinh đến trường học trực tiếp tiếp tục tăng. Ảnh: Đan Phương.

Ông Trịnh Duy Trọng cho biết, qua thống kê ngày 14/2, TP Hồ Chí Minh phát hiện 27 học sinh mắc COVID-19 ở tất các các bậc học; ngày 15/2 ghi nhận thêm 50 học sinh F0; ngày 16/2 ghi nhận thêm 86 học sinh F0; ngày 17/2 chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng số ca F0 tiếp tục tăng nhẹ so với những ngày trước đó.

“Nhà trường vẫn đảm bảo duy trì việc dạy và học theo kế hoạch mà Sở Giáo dục và Đào tạo đã trình cho UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Các tình huống xảy ra đều được sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của y tế địa phương”, ông Trịnh Duy Trọng nói.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, Sở Y tế cùng Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện giám sát chặt học sinh ở trường qua tầm soát lấy mẫu ngẫu nhiên, khi phát hiện ca dương tính sẽ xử lý kịp thời. Một trong những vấn đề mà các chuyên gia của ngành y tế và Sở Y tế đang rất quan tâm là hiện số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng đã tăng nhẹ sau kỳ nghỉ Tết và học sinh đi học trở lại.

“Ở các cấp thấp như mầm non, tiểu học, chúng tôi giám sát chặt các cô bảo mẫu, giáo viên mầm non vì đây là những trường hợp có thể nhiễm từ nhà đi vào lớp”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.

Thông tin về tình học sinh đến trường, ông Trịnh Duy Trọng cho biết, qua ghi nhận tại các phòng chuyên môn ở khối mầm non và tiểu học cập nhật từ các cơ sở giáo dục, tỷ lệ học sinh đến trường tiếp tục tăng. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ đến trường ở khối mầm non là 66,33%; ở khối tiểu học là 95,99%; khối THCS là 96,89% và khối THPT là 98,93%.

Việt Nam có thêm 36.200 ca F0, đến nay đã có tổng số 200 ca nhiễm biến thể Omicron

Tính từ 16 giờ ngày 16/2 đến 16 giờ ngày 17/2, Việt Nam ghi nhận 36.200 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Quảng Ninh có số mắc trong ngày tăng cao nhất.

Trong số các ca nhiễm mới, có 10 ca nhập cảnh và 36.190 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.467 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 25.345 ca trong cộng đồng).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 30.321 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 200 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại TP Hồ Chí Minh (97), Quảng Nam (27), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (20), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (2), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1), Hưng Yên (6), Bình Phước (1).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.643.024 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 26.762 ca nhiễm).

Từ 17 giờ 30 ngày 16/2 đến 17 giờ 30 ngày 17/2, cả nước ghi nhận 90 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 84 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.278 ca, chiếm tỷ lệ 1,5% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

XM/Báo Tin tức
Các doanh nghiệp du lịch rục rịch lên kế hoạch đón khách quốc tế
Các doanh nghiệp du lịch rục rịch lên kế hoạch đón khách quốc tế

Ngay sau khi Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch từ 15/3 theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp du lịch đang rục rịch lên kế hoạch chuẩn bị điều kiện đón khách quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN