Luyện kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên thông qua thực tập tại doanh nghiệp

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua đã làm gián đoạn việc thực tập của nhiều học sinh, sinh viên. Do đó, việc phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp cần triển khai kết nối để tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên trường nghề được học tập từ kinh nghiệm thực tế.

Linh hoạt trong đào tạo

Tại Hội nghị trực tuyến đưa học sinh, sinh viên năm cuối đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp do Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp tổ chức ngày 15/2, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 kéo dài khiến học sinh, sinh viên ở một số trường nghề chưa được thực hành, thực tập. Điều này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Vì thế, hiện nay khi các hoạt động được mở lại ở trạng thái bình thường mới, nhà trường và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ nhằm tạo điều kiện thực hành, thực tập để nâng cao kỹ năng tay nghề cho học sinh sinh viên.

Chú thích ảnh
Một buổi học thực hành kỹ năng nghề nhà hàng tại trường Trung cấp nghề du lịch Hà Nội.

Đào tạo chủ yếu trong lĩnh vực du lịch, bà Đinh Bích Diệp, Hiệu trưởng Trường cao đẳng du lịch Vũng Tàu cho biết, đến thời điểm này trường đã đưa được sinh viên đi thực tập nhưng thực tế, để tìm được đối tác tốt mang lại hiệu quả cao giữa ba bên là học sinh, nhà trường, doanh nghiệp thì rất khó. Hiện chỉ có những khách sạn lớn từ 3 sao trở lên mới có thể đáp ứng được điều này.

Thực tế cho thấy, những gián đoạn do đại dịch COVID-19 khiến học sinh, sinh viên của các trường thuộc khối giáo dục nghề nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn. Không chỉ học sinh, sinh viên tại ngành du lịch mà học sinh, sinh viên nói chung đều phải được đào tạo tay nghề thông qua trải nghiệm thực tế trên các máy móc, thiết bị, hoạt động dịch vụ trực tiếp.

Với nhu cầu về nguồn lao động cần thiết như hiện nay, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng vụ đào tạo chính quy (Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp) cho biết, thống kê của riêng TP Hồ Chí Minh, nhu cầu về lao động qua đào tạo đến quý IV năm nay là 87,14%, trong đó lao động đại học chỉ 20% còn lại là cao đẳng đại học, trung cấp và sơ cấp. Nhu cầu lao động không qua đào tạo chỉ chiếm 10%. Thực tế này cho thấy, nhu cầu về nguồn lao động qua đào tạo không hề nhỏ, nhất là trong năm nay các doanh nghiệp đang đẩy mạnh phục hồi sản xuất.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng trường Cao đẳng cơ điện và xây dựng Bắc Ninh cho biết, tuy ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp và địa phương mà đến nay, 90% học sinh của trường từ năm thứ 3 trở đi đã được các doanh nghiệp nhận. Điều này cho thấy sự khan hiếm của lao động nghề cũng như sự thích ứng linh hoạt của trường nghề trong thời kỳ dịch COVID-19 đang diễn ra.

Tuy nhiên, việc thực hành, đào tạo tại doanh nghiệp có khó khăn là khi sử dụng chuyên gia của doanh nghiệp sẽ thiếu yếu tố sư phạm nên chưa bảo đảm chuẩn nhà giáo thực hành dù họ rất giỏi về chuyên môn nên buộc trường phải đưa giáo viên kèm theo. Nên cần bổ sung thêm các điều kiện về năng lực của chuyên gia trong quá trình đào tạo để doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia cùng với nhà trường.

Lao động cần đa kỹ năng

Trong giáo dục nghề nghiệp, việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp không chỉ mang lại hiệu quả trong công tác đào tạo đơn thuần mà trong cả vấn đề thực tập, thực hành nhằm giúp học sinh, sinh viên vững tay nghề sau khi đi làm việc. Tuy nhiên, do dịch bệnh và nhu cầu của thị trường ngày càng phát triển nên việc đào tạo cũng như yêu cầu về kỹ năng của học sinh, sinh viên cũng có những thay đổi.

Ông Hầu Thăng Bình, đại diện khách sạn Sai Gon cho biết, trước khó khăn của dịch bệnh, khuynh hướng chủ đạo của doanh nghiệp là đào thải nhân viên hơn là tuyển chọn vì đơn giản là doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Chính vì vậy mà việc liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường cũng phụ thuộc lớn vào tình hình thực tế của thị trường.

“Thị trường lao động ngành du lịch, đặc biệt khách sạn rơi vào tình trạng dư nhưng lại thiếu bởi người có tay nghề cao thì chuyển nghề, người có tay nghề bình thường thì chủ yếu bị doanh nghiệp đào thải. Chính vì vậy, về nguồn lao động du lịch có nhiều thay đổi, thậm chí là thiếu về lao động tay nghề cao và có kinh nghiệm”, ông Bình chia sẻ.

Đánh giá về chất lượng nguồn lao động riêng của ngành du lịch, ông Bình cho biết doanh nghiệp mong muốn nhân sự hiện nay phải đa kỹ năng hơn. Đơn giản là vào thực tập, làm việc tại khách sạn đang kinh doanh dịch vụ cách ly thì nhân viên phải biết chủ động bảo vệ mình an toàn, phải mặc bảo hộ, thậm chí là phải biết rửa chén...

Đồng tình với quan điểm này, đại diện Công ty LS Electric Việt Nam cho biết, doanh nghiệp luôn mong muốn sinh viên có thể làm việc đa chức năng để thích ứng linh hoạt trong điều kiện dịch bệnh, đồng thời giúp người lao động đạt hiệu quả cao trong công việc.

Trước những yêu cầu của doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, nhà trường nên đẩy mạnh việc kết hợp với các doanh nghiệp để có những dự đoán về số lượng lao động cụ thể, từ đó tạo thuận lợi cho nhà trường trong công tác đào tạo và hạn chế tình trạng thừa hoặc thiếu việc làm sau khi đào tạo. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo phải linh hoạt, có thể đào tạo, thực hành ngoài giờ, ngày nghỉ chứ không cứng nhắc trong vòng 8 tiếng.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, việc đào tạo học sinh, sinh viên đa kỹ năng là điều hoàn toàn đúng và phù hợp trong điều kiện hiện nay. Chính vì vậy, các trường cần sàng lọc xem doanh nghiệp nào đang có nhu cầu cấp thiết sau đó sàng lọc với số lượng phù hợp để đưa học sinh đi thực tập.

“Cả doanh nghiệp và nhà trường cần phối hợp với nhau để có chương trình đào tạo linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường trên cơ sở các chuẩn đầu ra của ngành và của các trường”, ông Phạm Vũ Quốc Bình cho biết.

Bài và ảnh: XM/Báo Tin tức
Bàn giao nhà chưa hoàn thành nghiệm thu, bị xử lý như thế nào?
Bàn giao nhà chưa hoàn thành nghiệm thu, bị xử lý như thế nào?

Bạn đọc hỏi: Tôi mua căn hộ tại một dự án chung cư tại phường Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội). Tuy nhiên, khi nhận nhà tôi mới biết nhà bàn giao, nhưng dự án chưa hoàn thành nghiệm thu. Diện tích thiếu so với hợp đồng. Vậy, việc đo lại diện tích sẽ theo căn cứ nào? Phần ban công có tính phần diện tích trang trí (gờ, phào)? Chủ đầu tư sẽ bị phạt ra sao với tình trạng dự án chưa được nghiệm thu đã bàn giao nhà?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN