Tích cực thực hiện bảo hiểm trách nhiệm cho cán bộ y tế


TS Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trao đổi với PV Báo Tin tức xung quanh vấn đề triển khai các biện pháp bảo vệ cán bộ ngành y trong thời gian tới.

´Thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều vụ việc người nhà bệnh nhân xúc phạm, hành hung cán bộ y tế khi họ đang cứu chữa người bệnh. Theo ông, vì sao có những “sự cố” đáng tiếc này?

Dù vì nguyên nhân nào đi nữa thì hành động đe dọa, hành hung thậm chí chém giết cán bộ y tế cần phải được xã hội lên án và nghiêm khắc trừng trị.

Và dù ở bất kỳ tình huống nào thì việc xác định nguyên nhân các vụ việc là trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Trong trường hợp bệnh nhân hoặc người nhà cảm thấy không hài lòng với thái độ phục vụ, khám, chữa bệnh (KCB) của cán bộ, nhân viên y tế, có thể phản ánh lên ban giám đốc BV hoặc gửi khiếu nại đến cơ quan chức năng chứ không nên gây áp lực cho những người đang làm một nghề nhân đạo, cứu chữa sinh mạng cho người bệnh.

Theo tôi, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc trên có lẽ là do nhiều người trong xã hội chưa thực sự hiểu về công việc cứu chữa người bệnh của những người thầy thuốc. Trong xã hội, bên cạnh những người tốt, những nhân tố tích cực vẫn còn đâu đó những người chưa tốt, những hiện tượng xấu. Trong ngành y cũng vậy, hầu hết các thầy thuốc là yêu ngành, yêu nghề, tâm huyết với nghề, ngày đêm thầm lặng cứu chữa người bệnh trong điều kiện làm việc khó khăn, thu nhập chưa tương xứng với công sức mà họ bỏ ra. Không nên chỉ vì một vài hiện tượng chưa tốt “con sâu bỏ rầu nồi canh” mà đánh giá thấp y đức của người thầy thuốc, dẫn đến hành động mù quáng, gây tổn hại đến tinh thần, tính mạng của người thầy thuốc.

´Ngành y sẽ có biện pháp gì để ngăn chặn những “sự cố” tương tự, thưa ông?

Trong năm 2012, ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình hành động nâng cao chất lượng KCB, trong đó chú trọng công tác giáo dục nâng cao y đức trong các cơ sở y tế nhằm đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Triển khai mạnh mẽ thực hiện Luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân; thực hiện Luật KCB đến từng cơ sở KCB và người hành nghề KCB. Đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến, tiếp tục thực hiện chủ trương cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến trên về hỗ trợ các BV tuyến dưới... Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh truyền thông về những thành tựu của ngành y, về sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ áo trắng...

Đặc biệt, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền để các cơ sở KCB tích cực thực hiện bảo hiểm trách nhiệm trong KCB cho người thầy thuốc, theo quy định tại Nghị định 102/2011/NĐ-CP về bảo hiểm trách nhiệm trong KCB, có hiệu lực từ 1/1/2012.

Bảo hiểm trách nhiệm trong KCB sẽ giúp làm giảm bớt áp lực trong công việc vốn có nhiều đặc thù của người thầy thuốc. Nếu không may có rủi ro, tai biến xảy ra trong KCB, cả người thầy thuốc và người bệnh sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ và cùng giải quyết trên cơ sở các quy định của luật pháp.

´Làm thế nào để đẩy nhanh việc các bệnh viện tham gia đóng bảo hiểm trách nhiệm cho cán bộ của mình, thưa ông?

Nghị định 102/2011/NĐ-CP mới được ban hành vào ngày 14/11/2011 nên cũng cần có thời gian để các cơ sở KCB, các cán bộ y tế nghiên cứu. Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Y tế, cùng các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện bảo hiểm trách nhiệm trong KCB. Tôi nghĩ khi hiểu những lợi ích thiết thực của việc tham gia bảo hiểm trách nhiệm trong KCB, thì các cơ sở KCB sẽ tích cực tham gia.

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên

Sự hy sinh thầm lặng của những “chiến sĩ áo trắng”
Sự hy sinh thầm lặng của những “chiến sĩ áo trắng”

Hiện tượng bệnh nhân hoặc thân nhân người bệnh đe dọa tinh thần và tính mạng của người thầy thuốc đang có xu hướng tăng. Do đó, bên cạnh sự tôn vinh thì những người thầy thuốc rất cần sự sẻ chia và bảo vệ của toàn xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN