Thực thi Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) - Bài 1: Báo động tình trạng ô nhiễm những dòng kênh

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020, tại Chương II ghi rõ: Nguồn thải vào môi trường nước mặt phải được quản lý phù hợp với mục đích sử dụng và khả năng chịu tải của nguồn nước; Việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với nước thải phải phù hợp với mục đích sử dụng của nguồn nước theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước; Không cấp giấy phép môi trường để xả nước thải vào các nguồn nước mặt đã không còn khả năng chịu tải, trừ trường hợp nước thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước.

Chú thích ảnh
Cống Xuân Quan thuộc hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Những người làm công tác môi trường kỳ vọng rằng với những quy định chặt chẽ về quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ là vũ khí sắc bén để các cơ quan chức năng bảo vệ những con sông, dòng kênh đang bị “bức tử” hiện nay. 

Bài 1: Báo động tình trạng ô nhiễm những dòng kênh - nhìn từ hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được Chính phủ đầu tư xây dựng từ năm 1959, có chiều dài chính 232 km và trên 2.000 km kênh nhánh, đảm bảo tưới và tiêu nước thải cho tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và thành phố Hà Nội.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình ô nhiễm môi trường nước tại một số dòng kênh lớn, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải là điểm nóng nhất hiện nay, trong đó ô nhiễm nhất vẫn là kênh cấp 2 do các địa phương quản lý. Những năm gần đây, hệ thống này bị ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và các giải pháp giải quyết ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải. Tuy vậy, đến nay, tình trạng này vẫn đang tiếp diễn và hầu như chưa có chuyển biến.

Hệ thống thủy nông nhân tạo Bắc Hưng Hải có chức năng tưới cho 146.000 ha đất canh tác, cấp nước phục vụ hoạt động của một số khu công nghiệp tập trung trên 4.420 ha, cấp nước sinh hoạt cho 3,1 triệu người; tiêu úng ngập cho 214.932 ha; duy trì dòng chảy trên các trục sông, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm cạn kiệt nguồn nước, cải thiện môi trường sinh thái. Tuy vậy, nhiều nguyên nhân khiến chất lượng nước trên hệ thống này ngày càng tồi tệ.

Các chất độc hại đều vượt ngưỡng cho phép

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện hệ thống Bắc Hưng Hải đã bị xuống cấp, chế độ thủy văn, mực nước có nhiều thay đổi, nhiều nơi đã bị bồi lắng làm hạn chế khả năng dẫn nước, dẫn đến tình trạng nước thường xuyên bị ứ đọng. Nguồn chính cung cấp nước cho hệ thống Bắc Hưng Hải từ sông Hồng qua cống Xuân Quan (xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) nhưng do tình trạng hạn hán, thiếu nước nên mực nước ở cống này thường xuyên thấp hơn so với thiết kế (+1,85m). Bởi vậy, hệ thống Bắc Hưng Hải chủ yếu đóng kín để trữ nước, dẫn đến nước không lưu thông nhất là vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm), làm gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

Căn cứ kết quả quan trắc, phân tích mẫu nước hệ thống Bắc Hưng Hải từ năm 2016-2019 cho thấy, nước đã bị ô nhiễm từ nhiều năm. Thông số ô nhiễm chủ yếu là các chỉ tiêu hóa sinh như COD, BOD5, NH4+, PO4, NO2, coliform… Thông số DO (ôxy có mặt trong nước) rất thấp, trung bình chỉ từ 1-3 mg/l.

Năm 2016, Viện Nước, tưới tiêu và môi trường thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam quan trắc tại 83 điểm trên nhiều tuyến kênh thuộc thành phố Hải Dương cho thấy, chất lượng nước các kênh đều bị ô nhiễm, trong đó có 19 điểm ô nhiễm rất nghiêm trọng, 21 điểm ô nhiễm nghiêm trọng.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên quan trắc 24 mẫu nước năm 2016 thì có 21 mẫu với 99 trong tổng số 296 thông số (ô nhiễm) vượt QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Năm 2017, tất cả có 24 mẫu với 74/296 thông số vượt quy chuẩn cho phép.

Năm 2018, Trung tâm Kiểm định môi trường (Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường) quan trắc tại cửa xả cống T2 trước khi chảy vào kênh Kim Sơn thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải. Kết quả cho thấy, một số thông số môi trường vượt quá giới hạn cho phép như TSS vượt 1,16 lần, coliform vượt 73 lần, Fe vượt 1,08 lần. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh quan trắc 8 mẫu nước. Tại hầu hết các điểm quan trắc, chất lượng nước mặt đều bị ô nhiễm bởi BOD5, COD,TSS, NH4+. Kênh dẫn nước thôn Tây Giữa (xã Đại Bái, huyện Gia Bình) bị ô nhiễm kim loại nặng khi Fe vượt khoảng 3 lần giới hạn cho phép.

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm nước trên các kênh ở tỉnh Hải Dương diễn ra chủ yếu theo đợt, nước thường có màu đen, mùi hôi thối, cá chết nhiều. Năm 2018, kênh Sặt có thông số DO, NH4+, NO2, PO4 đều vượt quy chuẩn 1,2-5,5 lần. Kênh Cửu An có thông số DO, NH4+, NO2, TSS vượt từ 1,2-7,5 lần. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên quan trắc, phát hiện tất cả các mẫu với 119 trong tổng số 361 thông số vượt quy chuẩn.

Năm 2019, kết quả quan trắc của Viện Nước, tưới tiêu và môi trường trên các tuyến kênh Cầu Bây, Điện Biên, Thạch Khôi, Đoàn Thượng, Trần Thành Ngọ; kênh T2 thành phố Hải Dương cho thấy, chất lượng nước đều bị ô nhiễm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Các thông số TSS, BOD5, COD, NH4+ đều vượt quy chuẩn cho phép cao từ 1,3-32 lần, nồng độ amoniac vượt 50 lần, riêng coliform vượt108-124 lần. Chất lượng nước không đạt tiêu chuẩn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các dòng kênh có màu nước đen ngòm, nồng nặc mùi hôi thối, sinh vật không sống được, những nơi gần nguồn xả thải bọt sủi trắng xóa.

Mặt khác, hệ thống Bắc Hưng Hải còn phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung; nước thải công nghiệp từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nước thải chăn nuôi, từ các làng nghề. Ngoài ra, dòng kênh này còn phải tiếp nhận nguồn nước bị ô nhiễm từ các sông trong khu vực chảy vào như sông Cầu Bây thuộc thành phố Hà Nội; các nhánh sông Bần Vũ Xá, sông Đình Dù và kênh Trần Thành Ngọ của tỉnh Hưng Yên; kênh T2, sông Sặt và sông Cửu An của tỉnh Hải Dương… làm gia tăng tình trạng ô nhiễm.

Thông tin phản ánh từ người dân, mỗi năm có vài đợt cá chết hàng loạt, nhưng ở mức nhẹ. Năm 2020, cá chết nhiều nhất. Điển hình tháng 3/2020, lượng cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân của hàng chục gia đình tại xã Nhân Huệ (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) ở mức hơn 100 tấn, thiệt hại ước tính trên 10 tỷ đồng. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Dương đã đem mẫu nước phân tích và kết luận ban đầu do thiếu ôxy, ô nhiễm nguồn nước.

Con kênh tưới tiêu chính cho xã Tống Phan (huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) giờ đây được người dân ví von là “kênh nước chết” vì nhiều năm nay phải hứng chịu phân lợn, trâu, bò xả trực tiếp. Cá chết nhiều và khi gió Đông về bốc mùi thối. Nước không đủ chuẩn để tưới cây.

Sông Cầu Bây chảy qua thôn Xuân Thụy (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) có nước màu đen kịt, ùn ứ rác thải, bốc mùi khó chịu, không thể sử dụng cho tưới cây. Nước đang ở mức báo động đỏ, ô nhiễm trên toàn tuyến.

Nhận diện các nguồn gây ô nhiễm

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức, tổng lượng nước thải xả vào sông Bắc Hưng Hải hàng năm hơn 453.000 m3/ngày-đêm, trong đó trên 58% là nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung. Các loại nước thải còn lại gồm công nghiệp phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên 25%; chăn nuôi khoảng 12%; làng nghề hơn 6% và y tế khoảng 1%. Gần 60% nước sinh hoạt đô thị cơ bản chưa được xử lý, thải trực tiếp xuống hệ thống kênh Bắc Hưng Hải.

Tỉnh Hưng Yên có 151 khu dân cư xả thải trực tiếp với lưu lượng gần 70.000 m3/ngày-đêm. Tỉnh Hải Dương có 4 khu dân cư xả thải trực tiếp với lưu lượng trên 8.600 m3/ngày đêm. Thành phố Hà Nội có 28 điểm xả trực tiếp từ khu dân cư ra sông Cầu Bây với lưu lượng trên 30.000 m3/ngày-đêm. Tỉnh Bắc Ninh không có nguồn thải trực tiếp, chỉ có 3 nguồn thải gián tiếp từ 3 khu dân cư.

Hầu hết các khu đô thị, khu dân cư chưa đầu tư xây lắp hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi xả ra hệ thống Bắc Hưng Hải, ngoại trừ Khu đô thị Ecopark (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) xây dựng 4 trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung với tổng công suất 29.300 m3/ngày-đêm, đang vận hành một trạm với công suất 3.500 m3/ngày-đêm.

Nước thải công nghiệp phát sinh từ các khu công nghiệp gồm 4 khu ở Hưng Yên, 4 khu ở Hải Dương, 2 khu ở thành phố Hà Nội, 2 khu gián tiếp ở Bắc Ninh và đều có hệ thống xử lý tập trung.

Hiện tại, tỉnh Hưng Yên có 9 cụm công nghiệp, 59 làng nghề xả thải với lưu lượng trên 4.200m3/ngày-đêm; tỉnh Bắc Ninh có 3 làng nghề với lưu lượng trên 740m3/ngày-đêm thải gián tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải... Các cụm công nghiệp, làng nghề hầu hết chưa đầu tư xây lắp hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi xả ra kênh thủy nông.

Hầu hết các cơ sở, trang trại chăn nuôi có quy mô hộ gia đình như huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh có tới 21 trang trại nuôi lợn. Đa phần nằm xem kẽ giữa các khu dân cư chưa đầu tư xây lắp các công trình bảo vệ môi trường, xử lý nước thải và mùi hôi phát sinh. Nước thải chăn nuôi không được xử lý theo quy chuẩn cho phép, thải ra hệ thống thoát nước chung của khu dân cư.

Thực tế, những trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung bên ngoài khu công nghiệp vẫn lén lút xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Bài cuối: Để những dòng kênh không bị bức tử 

Minh Nguyệt (TTXVN)
Phú Yên tạm đình chỉ hoạt động cơ sở gia công phế liệu xả thải gây ô nhiễm nước
Phú Yên tạm đình chỉ hoạt động cơ sở gia công phế liệu xả thải gây ô nhiễm nước

Một cơ sở gia công phế liệu ở Phú Yên vừa bị đình chỉ hoạt động vì gây ô nhiễm môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN