Chiếm 67% dân số cả nước nhưng hiện nay, các hộ dân ở nông thôn Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ về môi trường. Trong đó, ô nhiễm nước sinh hoạt đang là vấn đề nhức nhối. Đó là khẳng định của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong Báo cáo môi trường quốc gia 2014 công bố ngày 24/6.Hệ lụy thấy rõHơn 7 năm qua, gần 1.000 hộ dân ở một số thôn của các xã Quảng Lưu, Quảng Hải, Quảng Thái thuộc huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) phải đi hàng km chở nước sinh hoạt trong khi giếng nước khoan phải bỏ phí vì nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nặng do nước thải từ các hồ nuôi tôm trên cát.
Người dân Quảng Bình vận chuyển nước từ suối về để sinh hoạt. |
Chị Trịnh Thị Sàng, thôn 1, xã Quảng Lưu cho biết: “Mấy năm nay nguồn nước bị ô nhiễm nặng không thể sử dụng được. Hàng ngày gia đình tôi phải phân công một người chuyên đi chở nước nhưng cũng chỉ để ăn uống còn tắm rửa thì vẫn phải dùng nguồn nước bị ô nhiễm”.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho chương trình quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích phù hợp với điều kiện và đặc thù từng vùng miền, địa phương, thu hút đầu tư tham gia lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. |
Kết quả xét nghiệm của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) trên 109 trẻ em dưới 10 tuổi tại làng tái chế chì thôn Đông Mai (Hưng Yên) cho thấy, 100% các em đều có hàm lượng chì trong máu vượt ngưỡng cho phép. Nguyên nhân bước đầu xác định do nguồn nước bị nhiễm chì từ hoạt động tái chế.
Theo kết quả quan trắc, giám sát chất lượng nguồn nước phục vụ nhu cầu cấp nước sinh hoạt của người dân nông thôn ở nhiều vùng trong toàn quốc cho thấy, chất lượng nguồn nước khai thác có dấu hiệu ô nhiễm, chủ yếu là ô nhiễm vi sinh và cục bộ một số vùng biểu hiện ô nhiễm kim loại nặng. Riêng tỉnh Thanh Hóa, có tới 61/74 xã trong khu vực điều tra nguồn nước sinh hoạt có hàm lượng Asen vượt tiêu chuẩn cho phép, trong đó tập trung ở các huyện Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Hậu Lộc… Tại Bình Định, hầu hết các giếng dân dụng đều bị nhiễm khuẩn với Coliform và E.coli ở mức cao.
Do điều kiện kinh tế thấp, nhiều hộ gia đình ở nông thôn vẫn sử dụng nước sông, ao hồ kênh rạch để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo đã dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe con người. Theo thống kê, khoảng 90% dân cư Việt Nam bị nhiễm các loại giun, sán đường tiêu hóa. Các bệnh tiêu chảy, hội chứng lỵ, lỵ trực khuẩn là 3 trong số 10 bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất, trong đó tiêu chảy là bệnh đứng thứ 6 trong các bệnh có tỷ lệ tử vong lớn nhất. Điều đáng nói, số người mắc các bệnh này tập trung phần lớn ở khu vực nông thôn.
Bài toán nước sạchÔng Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, ô nhiễm nước sinh hoạt ở nông thôn do tác động tổng hợp từ các hoạt động như trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp, làng nghề cũng như nguồn thải từ các khu đô thị giáp ranh. “Thực tế đã cho thấy, ô nhiễm nguồn nước sẽ gây nhiều hệ lụy đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe người dân nên vấn đề cấp nước sạch cho người dân nông thôn là rất cấp thiết”, ông Tùng cho biết.
Tác hại của các chất ô nhiễm trong nước với sức khỏe con người: Nước nhiễm chì lâu ngày: Gây các bệnh về thận, thần kinh; Nước nhiễm Amoni, Nitrat, Nitrit: Gây bệnh xanh da, thiếu máu, có thể gây ung thư; Nước nhiễm hợp chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng, diệt cỏ, kích thích tăng trưởng, bảo quản thực phẩm: Gây ngộ độc, viêm gan, ung thư… |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay có hơn 1.000 công trình cấp nước sạch đã và đang tiếp tục được nâng cấp. Tính đến hết năm 2014, cả nước đã có 84,5% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tuy nhiên, trong đó, chỉ khoảng 32% hộ dân được sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung, còn lại là từ các công trình nhỏ lẻ như giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước mưa… Tại một số nơi, công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã đi vào hoạt động nhưng chưa thực sự bền vững, chất lượng cấp nước ở nhiều địa phương còn thấp, đặc biệt là các công trình cấp nước quy mô nhỏ giao cho cộng đồng quản lý ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ.
“Ô nhiễm nguồn nước, phần nhiều cũng nảy sinh trong quá trình sinh hoạt sản xuất của con người, do vậy, việc nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường nông thôn nói chung và bảo vệ nguồn nước nói riêng là rất cần thiết”, ông Tùng đề xuất.