Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Giám đốc HPA cho biết: Chương trình nhằm giới thiệu trực tiếp các sản phẩm thực phẩm sạch tới người tiêu dùng.
Các sản phẩm được giới thiệu và trưng bày tại sự kiện đều an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ, đầy đủ giấy tờ chứng nhận về chất lượng sản phẩm do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận để người tiêu dùng nhận diện. Từ sự kiện này, HPA sẽ tổ chức các sự kiện tương tự để góp phần lan tỏa việc nhận diện thương hiệu sạch.
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết: Sự kiện này là hoạt động thiết thực gắn kết sản xuất và tiêu thụ thành chuỗi giá trị khép kín để nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo ATTP và truy xuất được nguồn gốc.
Tại sự kiện, một số thương hiệu thực phẩm sạch đã được cơ quan chức năng chứng nhận như: Chuỗi thịt lợn hữu cơ Bảo Châu (Minh Phú- Sóc Sơn); Thịt lợn hữu cơ Bảo Châu; Chuỗi sản xuất và cung cấp thịt lợn A-Z; (Tân Ước- Thanh Oai; Chuỗi trứng gà Tiên Viên (Đại Yên, Chương Mỹ); Chuỗi gà trứng trang trại 729 (Yên Bài, Ba Vì); Chuỗi Gà đồi Ba Vì (huyện Ba Vì); Chuỗi thịt lợn sinh học Quốc Oai (huyện Quốc Oai)…
Trong quá trình từ sản xuất tới tiêu dùng, mỗi khâu vẫn còn những bất cập. Nổi bật là vấn đề vệ sinh môi trường chăn nuôi không đảm bảo như: Sử dụng chất cấm, chất tạo nạc, dùng kháng sinh tùy tiện, ô nhiễm môi trường….. Giết mổ, sơ chế, chế biến: Nhỏ lẻ, thủ công, mất vệ sinh làm dễ lây nhiễm khuẩn E.coli, Salmonella…
“Đặc biệt là khâu vận chuyển và tiêu thụ thực phẩm tại Hà Nội rất nhiều bất cập, không đảm bảo quy trình, thô sơ. Đặc biệt là việc chở thịt lợn, chó “khỏa thân” rất nhiều. Buổi sáng, chúng tôi chốt gác tại ngã tư Ba La (Hà Đông) đếm hàng trăm lượt chở lợn khỏa thân, dễ gây lây nhiễm vi khuẩn. Bên cạnh đó là tình trạng bán hàng tại vệ đường, đề là “lợn nhà”. Nhưng thực chất 80% ghi lợn nhà đều bị mắc dịch bệnh. Lợn khỏe thì đã được thương lái mua tận nhà. Thêm vào đó, tại các chợ truyền thống, các bàn bán thịt cả chục năm không rửa là nguồn gốc lây bệnh”, ông Nguyễn Thành Trung cho biết.
Từ thực tế trên cho thấy, 95% thực phẩm tiêu thụ trên thị trường chưa được sản xuất theo chuỗi, không chứng minh được chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP. Tình trạng này dẫn đến ngộ độc thực phẩm tập thể, thậm chí không loại trừ tăng bệnh ung thư. “Do đó, hiện nay giải pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm là giết mổ thủ công dần được thay thế bằng giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp có kiểm soát; sản phẩm được sơ chế, chế biến, bảo quản đúng quy trình. Sản phẩm bán tại chợ truyền thống được bảo quản trong tủ mát; phát triển cửa hàng tiện ích; quá trình vận chuyển được bảo quản. Bên cạnh đó, người lao động khó tính hơn trong lựa chọn thực phẩm, ưu tiên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc; trong đó chọn sản phẩm an toàn sản xuất theo chuỗi để được truy suất nguồn gốc”, ông Trung thẳng thắn nhìn nhận.
Dự án Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Dự án chuỗi) mục tiêu hoàn thiện các mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm. Cụ thể, đến năm 2020 TP Hà Nội phấn đấu cung cấp cho thị trường mỗi ngày 14 tấn thịt lợn, 6,5 tấn thịt gia cầm, 105.000 quả trứng, 105 tấn sữa tươi và 1 tấn thịt bò. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Hà Nội đặt kế hoạch xây dựng 12 nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao.
Số liệu thống kê cho thấy, tổng đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội hiện có: Đàn trâu trên 25.000 con, đàn bò gần 130.000 con (trong đó, bò sữa 15.675 con), đàn lợn trên 1,86 triệu con (lợn nái 211.000 con, lợn thịt trên 1,6 triệu con), đàn gia cầm gần 30 triệu con (trong đó gà 20 triệu con). Sản lượng sản phẩm chăn nuôi: Thịt trâu trên 1.600 tấn, thịt bò 110.000 tấn, sản lượng sữa tươi trên 40.000 tấn, thịt lợn trên 330.000 tấn, thịt gia cầm 92.000 tấn (trong đó, sản lượng thịt gà đạt 72.000 tấn), sản lượng trứng gia cầm xấp xỉ 1,5 tỷ quả (trong đó, trứng gà đạt 769 triệu quả).
Đặc biệt, công tác giết mổ, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn thành phố có sự chuyển biến tích cực. Hiện Hà Nội có 1.070 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 15 cơ sở bán công nghiệp và 1.048 cơ sở giết mổ thủ công.
Những năm gần đây, Hà Nội có nhiều chủ trương khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các hệ thống chăn nuôi, giết mổ hiện đại hơn theo hướng công nghệ cao, cung cấp ra thị trường sản phẩm thịt cấp mát, cấp đông theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo ATVSTP ở mức độ cao.