Loa phường vẫn có tác dụng nhất định
Ông Nguyễn Minh Tâm, Bí thư chi bộ 2 (phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Cách đây hơn một tháng, đại diện Viettel có đến thu hồi thiết bị thông minh và lý giải để nâng cấp. Thực tế tiếp nhận thông tin từ cả hai loại hình, tôi thấy vẫn phải duy trì loa phường và tiến tới dùng thiết bị thông minh nhưng phải có lộ trình. Quan trọng là nội dung phát qua hai hình thức truyền tải thông tin đó như thế nào hợp với thực tế”.
Loa phường vẫn có tác dụng nhất định, nhất là phát thông báo về các quy định mang tính cấp thiết hoặc chiến dịch như tiêm phòng, dịch bệnh, vệ sinh môi trường. “Vấn đề là nội dung phát thông báo cần ngắn gọn, có giờ nhất định để người dân tiếp nhận thông tin”, ông Nguyễn Minh Tâm chia sẻ.
Trong khi đó, thiết bị thông minh, thông tin cần chuyên sâu hơn, người dân có thể bật lên nghe lúc nào tùy lúc rảnh rỗi. “Nhất là ở chung cư cao cả chục tầng thì thiết bị này có ích. Chứ loa phường làm sao truyền tải thông tin tới tòa nhà cao chục tầng, cửa kính lại cách âm”, ông Tâm đánh giá.
Trao đổi với chúng tôi về loa phường với ông Lê Cao Thiết, Tổ trưởng tổ dân phố 36 (phường Thành Công, Hai Ba Trưng) cho biết: “Phường có khoảng 50 hộ được thí điểm sử dụng thiết bị thông minh. Hình thức thiết bị nhỏ gọn, tiện lợi; tuy nhiên, âm lượng sau một thời gian rè. Ngoài chức năng chính là phát trực tiếp các bản tin của phường đến từng hộ dân, thiết bị này còn có thể kết nối với điện thoại di động để sử dụng các dịch vụ khác như mua thẻ điện thoại, thanh toán hóa đơn internet, điện, nước, truyền hình, an ninh… Tuy nhiên, những tính năng này người dân ít sử dụng”.
Còn ông Phạm Ngọc Cơ (phường Thành Công, Hai Bà Trưng) cho rằng, thiết bị thông minh cần có nút chỉnh âm thanh; bật hoặc tắt khi không phải giờ phát để tiết kiệm điện... Thiết bị treo cố định một chỗ, nhà nhiều tầng thì âm thanh chỉ đủ nghe ở tầng có thiết bị.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Tâm cho biết, thiết bị có nhiều tính năng nhưng để sử dụng được phải có thiết bị khác hỗ trợ như máy tính bảng, điện thoại thông minh. Những thiết bị này không phải ai cũng thành thạo khi sử dụng.
Trước khi thử nghiệm thiết bị thông minh, tại cuộc họp khu dân cư lấy ý kiến về loa phường, nhiều gia đình phản ánh lại việc loa phường phát âm quá ồn, tiếng rè và nhiều nội dung không cần thiết ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống. Tuy nhiên, từ cuối năm 2017, hệ thống loa truyền thanh phường còn lại được giữ nguyên trạng và tạm dừng phát thanh. Từ đó, người dân cũng ít ý kiến phản hồi về loa phường.
Do đó, ông Nguyễn Khắc Kháng, tổ trưởng tổ dân phố 12 (phường Yên Hòa, Cầu Giấy) cho rằng: “Loa phường nên duy trì để thông báo như treo cờ dịp lễ, vệ sinh môi trường, tiêm phòng dại cho chó mèo… Khi không thông báo, đến từng nhà thông tin vừa vất vả, nhiều khi người dân trả lời không biết thông tin để thực hiện”.
Người dân khó sử dụng các tính năng thiết bị thông minh
Thiết bị thông minh đang trong quá trình thí điểm nên chưa có mức chi phí đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, nhiều người dân phản ánh nếu đóng tiền mua thiết bị thì không sử dụng. Ông Phạm Quốc Hạnh, Bí thư Chi bộ khu dân cư 14, phường Thành Công, cho biết: "Chúng tôi vừa dự hội nghị phổ biến về vấn đề này và có được thông tin mới có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ. Về vấn đề chi phí mua thiết bị, họ vẫn đang tham khảo ý kiến của đông đảo người dân. Nhưng với chức năng là truyền tải thông tin mà phải đầu tư mua thiết bị chỉ để nghe thông báo từ phường thì không ai dùng, Còn nếu dùng chức năng khác thì các hộ triển khai thí điểm chưa thấy ai sử dụng để thanh toán các loại phí”.
Kết thúc đợt thí điểm thiết bị thông minh, các nhà cung cấp cũng có phát phiếu khảo sát lấy ý kiến người sử dụng. Ông Võ Xuân Tui, tổ phó dân phố số 7 (phường Yên Hoà, Cầu Giấy) cho hay: "Dù thiết bị nhỏ gọn, có thể thay thế loa phường trong truyền tin nhưng nhiều người dân không hào hứng với việc phải đầu tư mua thiết bị. Còn các năng khác của thiết bị như đảm bảo an ninh thì giá trị chưa cao vì khi đóng mở cửa liên tục, điện thoại sẽ kêu ầm ĩ".
Còn ông Nguyễn Minh Tâm chia sẻ: "Việc sử dụng thiết bị thông minh vừa qua chủ yếu lại là người có tuổi nên không sử dụng hết chức năng. Nếu lắp đặt miễn phí, người dân còn dùng. Những tính năng tương tác về dịch vụ công thì không sử dụng. Thiết bị này sẽ hợp hơn với gia đình trẻ và sử dụng thông thạo các thiết thị công nghệ, nhất là khi nối với máy tính hoặc di động.
Trong khi đó, đại diện Sở Thông tin Truyền thông cho biết: Sau một năm thực hiện Đề án 5133 (đề án sắp xếp lại hệ thống loa phường), Sở đang lấy ý kiến khảo sát về hoạt động loa phường để UBND thành phố ra quyết định chính thức sắp xếp lại hệ thống tập trung vào 2 nhóm chính: Giảm số lượng loa và cụm loa tại các phường thuộc quận và triển khai thiết bị thông minh thay thế loa truyền thanh phường. Cùng với đó là “Quy chế hoạt động của đài truyền thanh xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội” để hệ thống giữ lại phát huy hiệu quả, không ảnh hưởng đến người dân.
Theo khảo sát ý kiến người dân về đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên Cổng giao tiếp điện tử: Hanoi.gov.vn, đến 20h ngày 14/10, thì có tới 75,5% số người cho rằng cần quyết liệt sắp xếp mạnh mẽ hơn. Sau 1 năm thực hiện thí điểm, vẫn có 74,7% số người cho rằng duy trì từ 5-10 cụm loa là nhiều.