Thực hiện tốt an sinh xã hội, lao động việc làm

Dù kinh tế còn khó khăn, nhưng công tác an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi cho người lao động luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Trong không khí những ngày Tết, phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐT-BXH) Phạm Thị Hải Chuyền (ảnh), xung quanh vấn đề chăm lo Tết cho người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, chế độ cho người lao động và giảm nghèo bền vững.

´Thưa Bộ trưởng, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 cận kề, vậy người có công và người nghèo và các đối tượng khó khăn được quan tâm, chăm lo Tết như thế nào?


Công tác chăm lo cho các đối tượng nghèo, người có công được Đảng và Chính phủ triển khai thường xuyên trong năm, tuy nhiên, vào thời điểm chuẩn bị đón Tết cổ truyền, Đảng và Chính phủ đã có chỉ đạo cụ thể về việc đảm bảo hộ nghèo, khó khăn đều được chăm lo trong dịp Tết.


Bộ LĐTBXH đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá khả năng thiếu lương thực của người dân trong và sau Tết Nguyên đán để chủ động huy động nguồn lực hỗ trợ giải quyết tại chỗ, nếu không cân đối được thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ có biện pháp hỗ trợ kịp thời.


Đối với vùng bị ảnh hưởng do thiên tai, qua rà soát, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ hơn 12.000 tấn gạo cứu đói cho các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận. Hiện chúng tôi đang tiếp tục tổng hợp đề nghị của một số tỉnh và xem xét thực tế, Liên Bộ tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ và đã được phê duyệt hỗ trợ gạo cho các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Kon Tum, Sơn La, Hà Nam, Đắk Lắk. Ngoài ra, một số tỉnh đã trích từ nguồn đảm bảo xã hội của địa phương hỗ trợ lương thực cho các hộ thiếu ăn trong dịp Tết.


Hiện cả nước đã có kế hoạch hỗ trợ ăn Tết cho người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội. Mức hỗ trợ phổ biến 200.000-300.000 đồng/đối tượng. Một số tỉnh có điều kiện ngân sách hỗ trợ 700.000 đồng/đối tượng (TP Hồ Chí Minh), mức 550.000 đồng/đối tượng (Đồng Nai), một số tỉnh khó khăn về nguồn cũng hỗ trợ thêm từ 100.000 -200.000 đồng/đối tượng như Nghệ An.


Trong năm 2013, cả nước có khoảng 2,6 triệu người hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng, tăng gần 7% so với năm 2012, tổng kinh phí thực hiện trợ giúp trên 7.121 tỷ đồng. Có 15 tỉnh, thành phố tự cân đối ngân sách nâng mức trợ cấp hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội cao hơn mức quy định của Chính phủ như Hà Nội (300.000 đồng/tháng), Bình Dương (340.000 đồng/tháng), Quảng Ninh (300.000 đồng/tháng)… Các địa phương cấp phát kịp thời trợ cấp tháng 1/2014 cho các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, một số địa phương có kế hoạch chi trả trợ cấp tháng 2/2014 trước Tết Nguyên đán.


Đối với đối tượng chính sách người có công, Bộ LĐTBXH chỉ đạo các địa phương trong cả nước thực hiện chuyển quà của Chủ tịch nước đến tận tay các đối tượng. Tổng số đối tượng hưởng quà là 1.471.900 người, tổng mức kinh phí quà tặng trên 397 tỷ đồng, với 2 mức quà 200.000 đồng và 400.000 đồng. Bên cạnh đó, Bộ đã chỉ đạo các Sở LĐTBXH tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố trích ngân sách, tổ chức thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách, đảm bảo tất cả các gia đình chính sách đều có Tết.

Với đối tượng người lao động khó khăn, nhất là do thiếu việc làm hoặc do doanh nghiệp gặp khó khăn trong dịp Tết, chúng tôi đã phối hợp với công đoàn, chỉ đạo các địa phương, chăm lo đời sống, giúp đỡ hỗ trợ đối tượng trong dịp giáp Tết này.

 

´Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về công tác lương thưởng năm nay và có yêu cầu để doanh nghiệp đảm bảo chế độ cho người lao động trong dịp Tết?


Lương thưởng Tết là vấn đề cả xã hội quan tâm. Bộ LĐTBXH, với trách nhiệm là cơ quan tổng hợp, nên gần Tết hàng năm có yêu cầu địa phương rà soát tình hình thực hiện chính sách tiền lương của các doanh nghiệp với người lao động. Qua báo cáo của các địa phương, tiền lương năm 2013 bình quân tăng khoảng 19%. Qua rà soát thưởng Tết cho thấy, mức thưởng tăng so với năm 2012 là 20%. Thực chất, mức thưởng Tết được các doanh nghiệp áp dụng là thêm 1 tháng lương. Mức tăng này là do tháng lương năm 2013 tăng 19%, chứ đây không phải tiền trích thưởng Tết tăng lên. Và thực tế, do kinh doanh khó khăn, cũng còn nhiều doanh nghiệp không có lương thưởng Tết, có 4 tỉnh báo cáo là doanh nghiệp không có thưởng cho người lao động


Nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm gặp nhiều khó khăn, để đảm bảo chế độ cho người lao động, ngay từ đầu năm 2013, Bộ LĐTBXH đã chủ động, tập trung chỉ đạo một số biện pháp như hoàn thiện luật pháp về lao động; phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn; vận động, hướng dẫn Ban chấp hành công đoàn cơ sở thương lượng, thỏa thuận tiền lương; thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động để có thêm nguồn hỗ trợ người lao động trong các dịp lễ, Tết.
Bộ LĐTBXH tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp; có biện pháp xử lý kịp thời, trong đó có xử phạt khi doanh nghiệp vi phạm các quy định về lao động, tiền lương; đồng thời có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp để đảm bảo việc làm, thu nhập đối với người lao động; nắm tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình nợ lương, nợ tiền tham gia bảo hiểm xã hội và có các giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này.


Bộ cũng có văn bản đề nghị Sở LĐTBXH yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn rà soát lại các quy chế, quy định về tiền lương, tiền thưởng để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp khi điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2014.

 

´Thưa Bộ trưởng, dù Việt Nam là "một điểm sáng" trong xóa đói giảm nghèo, được nhiều nước và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, nhưng chưa thực sự bền vững. Vậy xin Bộ trưởng cho biết, Bộ LĐTBXH sẽ có những giải pháp đột phá gì trong năm 2014 để góp phần giảm nghèo bền vững?


Vừa rồi, Chính phủ cũng đã giao Bộ LĐTBXH đánh giá sơ kết tình hình giảm nghèo theo Nghị quyết 80 và trên cơ sở tiếp tục xây dựng chính sách giảm nghèo bền vững.


Theo đó, hiện Bộ đang rà soát các chính sách về giảm nghèo. Trước tiên với những chính sách nào bất hợp lý thì sẽ bỏ, những chính sách nào hợp lý sẽ tiếp tục phát huy. Tiếp đó, lồng ghép các chính sách liên quan áp dụng đối với đối tượng này.


Cuối cùng là đề xuất những chính sách đối với hộ cận nghèo và mới thoát nghèo theo hướng tạo cơ hội cho người ta thoát nghèo, hướng tới giảm dần hỗ trợ tiền mặt. Hiện Bộ đang nghiên cứu và đã đề xuất một số chính sách.


Sắp tới Ban chỉ đạo giảm nghèo Quốc gia sẽ có báo cáo đề xuất với Chính phủ sửa một số chính sách và một số chính sách đã thực hiện như cho hộ cận nghèo vay vốn, hộ thoát nghèo trong 5 năm tiếp tục thực hiện một số chính sách hộ nghèo.


Như vậy, các chính sách tới đây sẽ theo hướng tạo điều kiện cho người nghèo chủ động, chứ không phải thụ động như hiện nay.

 

´Thưa Bộ trưởng, hiện nay vẫn còn 38,2% số lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Xin Bộ trưởng cho biết những biện pháp nào được triển khai để giải quyết tình trạng này?


Tỷ lệ lao động Việt Nam ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp cao đã ảnh hưởng đến việc đưa lao động sang Hàn Quốc. Tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước trong tháng 10/2013 giảm xuống còn 38,2% so với 53,1% quý 4/2012, là kết quả của những nỗ lực rất lớn từ hai phía Việt Nam và Hàn Quốc.


Để tập trung giảm tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước, tiến tới ký Bản ghi nhớ bình thường vào cuối năm 2014, chúng ta sẽ phải thực hiện quyết liệt một số giải pháp.


Trước tiên, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người lao động làm việc tại Hàn Quốc và các gia đình có con em làm việc tại Hàn Quốc thực hiện đúng các quy định của pháp luật, các điều kiện của hợp đồng đã ký, về nước đúng thời hạn. Đây là trách nhiệm chung của các bộ, ngành, đặc biệt là chính quyền các địa phương từ tỉnh đến huyện, xã. Bộ LĐTBXH đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện công tác này một cách thường xuyên, liên tục. Thứ hai là xử lý nghiêm các vi phạm theo các chế tài xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ. Thứ ba là tăng cường các biện pháp quản lý lao động tại Hàn Quốc. Văn phòng Quản lý lao động tại Hàn Quốc mới được thành lập hợp tác chặt chẽ với với các cơ quan chức năng của Hàn Quốc để có thể tuyên truyền, vận động đến từng đối tượng lao động chuẩn bị hết hạn hợp đồng và tư vấn phù hợp để người lao động về nước đúng thời hạn. Thứ tư là triển khai mạnh mẽ hơn nữa chương trình hỗ trợ việc làm cho người lao động đã về nước, tổ chức các hội chợ việc làm cho người lao động, hỗ trợ tín dụng, nâng cao tay nghề cho người lao động. Thứ năm là chúng tôi sẽ chỉ đạo thực hiện tốt hơn việc giáo dục người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc, đặc biệt là ý thức tổ chức kỷ luật và ý thức chấp hành pháp luật.


Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục yêu cầu phía Hàn Quốc thực hiện xử phạt nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp, phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam trong việc thực hiện các chế tài xử lý vi phạm.


Với quyết tâm của Bộ LĐTBXH, của các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương, tôi tin là chúng ta sẽ đạt kết quả tốt vào cuối năm 2014, từ đó có thể ký Bản ghi nhớ bình thường về hợp tác đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc.


Xin cảm ơn Bộ trưởng!


Xuân Cường (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN