Đồng thời, người dân cũng hợp tác với chính quyền, lực lượng chức năng và có ý thức cao phòng, chống dịch khi đi qua các chốt kiểm tra y tế.
Tăng cường kiểm tra dịch tại các chốt y tế
Từ ngày 25/7 đến nay, hàng ngàn trường hợp từ vùng dịch đi qua đỉnh đèo Hải Vân đều được lực lượng cảnh sát giao thông trên đỉnh đèo Hải Vân vận động quay trở lại. Những người trở về từ vùng có dịch đều được kiểm tra sức khỏe đầy đủ và hướng dẫn khai báo y tế kịp thời.
Lượng người từ vùng dịch về Thừa Thiên-Huế qua chốt kiểm tra y tế số 5 (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế,) từ ngày 29/7 đến nay đã giảm hẳn, chỉ còn khoảng 1/4 so với những ngày trước.
Ông Phạm Văn Lợi, Trưởng trạm Y tế thị trấn Lăng Cô, phụ trách chốt kiểm tra y tế số 5 cho biết: “Người dân ngày càng hiểu rõ hơn về nguy cơ dịch bệnh và nhờ sự tuyên truyền mạnh mẽ của truyền thông, chính quyền, nên đã hạn chế di chuyển trong thời gian này. Ngoài ra, trải qua đợt dịch từ đầu năm, đến nay người dân khi đi qua chốt kiểm tra đã có ý thức cao về việc bảo vệ sức khỏe bản thân, đồng thời hợp tác cùng lực lượng chức năng khai báo y tế đầy đủ”.
Tương tự, ý thức chấp hành các yêu cầu phòng, chống dịch của hành khách tại Bến xe phía Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng được đánh giá cao khi hợp tác cùng các chủ nhà xe thực hiện đầy đủ những biện pháp phòng ngừa như mang khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt và kê khai đầy đủ thông tin trên tờ khai y tế do bến xe cung cấp.
Nhằm chủ động trước những tình huống xấu xảy ra trong suốt hành trình di chuyển, các nhà xe đã lên phương án cung cấp thông tin phòng, chống dịch như số điện thoại đường dây nóng, các biện pháp bảo vệ sức khỏe và trang bị dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay trên xe phục vụ hành khách. Ngoài ra, các phương tiện xe đều được phun khử trùng trước khi đón khách và ngay khi bắt đầu lăn bánh rời bến.
Hiện nay, tại Bến xe phía Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế ghi nhận lượng khách sụt giảm, chỉ còn khoảng 30 - 40%.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Huế Phạm Xuân Sơn cho biết, khi Bộ Y tế công bố 2 ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng, đơn vị đã lập tức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như bắt buộc hành khách cùng đội ngũ nhân viên đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, phun khử trùng phương tiện xe khách trong toàn bến. Các hành khách đã phối hợp tốt việc khai báo y tế và đơn vị cũng có nhiều phương án lưu trữ thông tin hành khách để cung cấp cho các cơ quan chức năng thống kê. Với những hành khách có thân nhiệt cao, sẽ được cách ly, khai thác hành trình di chuyển và báo cho cơ quan chức năng.
Ga Huế trung bình mỗi ngày đón 15 chuyến tàu dừng để đón, trả khách. Chốt kiểm dịch ở đây gồm các lực lượng liên ngành thường xuyên có mặt để hướng dẫn hành khách xuống ga khai báo thông tin, đo thân nhiệt. Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, Công an thành phố Huế cho biết, đơn vị đã bố trí lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự và đảm bảo mọi hành khách khi xuống ga đều phải khai báo y tế. Sự chủ động phối hợp của người dân với các cơ quan chức năng sẽ góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.
Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã triển khai 8 chốt kiểm tra y tế tại các địa bàn, hoạt động 24/24 giờ nhằm ngăn chặn tối đa sự phát tán, lây lan dịch bệnh từ vùng có dịch.
Kiểm soát chặt chẽ hai tuyến biên giới
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tăng cường lực lượng, phương tiện để tuần tra, nhất là khu vực vùng biển giáp với thành phố Đà Nẵng. Trong ngày 30/7, Tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Lăng Cô đã phát hiện khu vực bờ biển Đồng Dương, ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc có một tàu cá của thành phố Đà Nẵng mang số hiệu ĐNA 90511 TS đang đưa 9 người (đều trú tại xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) vào bờ để trốn dịch. Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các đồn Biên phòng tuyến biển tăng cường triển khai phương tiện tiến hành tuần tra nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp tương tự.
Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện nay, tình hình người dân từ vùng dịch COVID-19 trở về Thừa Thiên - Huế bằng đường biển diễn ra phức tạp. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bố trí chốt kiểm tra trên đảo Sơn Chà thuộc huyện Phú Lộc và thường xuyên tổ chức tuần tra chặt chẽ dọc tuyến biển, đặc biệt là các bãi ngang, cửa lạch, cửa biển đối với những người trên các phương tiện vận tải, tàu cá đi từ nơi khác trở về. Đồng thời, lực lượng Biên phòng tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết việc đi các phương tiện tàu thuyền ngoại tỉnh về Thừa Thiên - Huế trốn dịch bệnh là sai phạm về pháp luật, dễ lây lan nguồn bệnh; khuyến cáo người dân từ ngoại tỉnh về bằng con đường trực tiếp, hợp pháp theo khuyến cáo của tỉnh và ngành chức năng.
Thừa Thiên - Huế có đường biên giới đất liền dài 89,2 km giáp với hai tỉnh Sê Kông và Salavan của Lào. Từ tháng 2/2020 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai 36 chốt với gần 450 cán bộ chiến sĩ phối hợp với lực lượng địa phương kiểm soát chặt chẽ ngăn người dân qua lại khu vực hai bên biên giới, nhất là ở những đường mòn, lối mở. Tại hai cửa khẩu, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo không giải quyết làm các thủ tục xuất nhập cảnh, trừ những trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật. Thời gian qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát hiện 12 vụ với 35 đối tượng qua lại khu vực biên giới trái phép.