Thủ tục nhanh chóng và thuận tiện
Là một trong những đối tượng lần đầu tiên được thụ hưởng gói hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều hướng dẫn viên du lịch có thẻ hành nghề trên địa bàn tỉnh đang nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để nhận khoản tiền hỗ trợ từ Chính phủ. Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế phụ trách thực hiện chi trả hỗ trợ đối với nhóm đối tượng này.
Anh Nguyễn Duy Kính (thành phố Huế) là một hướng dẫn viên du lịch làm việc nhiều năm tại Thừa Thiên - Huế, tham gia nhiều tour du lịch đón khách quốc tế đến tham quan Cố đô Huế. Hơn 1,5 năm nay, anh Kính phải nghỉ việc, tạm dừng tất cả các hợp đồng du lịch do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Không chỉ riêng anh Kính, nhiều đồng nghiệp phải xoay sở nhiều công việc khác để kiếm sống. Riêng anh lựa chọn công việc giáo viên tiếng Anh giao tiếp.
Sau khi nắm bắt được thông tin, anh Kính nhanh chóng có mặt tại Sở Du lịch tỉnh để hoàn tất các thủ tục đăng ký nhận hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Anh Kính cho hay, các thủ tục đăng ký rất đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện. Nguồn hỗ trợ sẽ giúp anh giảm bớt gắng nặng chi phí sinh hoạt hằng ngày đồng thời là động lực để anh vượt qua quảng thời gian khó khăn đợi đến khi ngành du lịch trở lại bình thường.
Nhiều hướng dẫn viên du lịch rất vui mừng vì chỉ cần khai báo các thông tin đơn giản đã có thể hoàn tất việc đăng ký nhận hỗ trợ. Số tiền hỗ trợ sẽ được tự động gửi đến số tài khoản cá nhân mà không tốn thời gian đi lại quá nhiều.
Hiện toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 2.900 hướng dẫn viên du lịch được sở cấp thẻ. Tuy nhiên, hoạt động thực tế có khoảng 1.700 hướng dẫn viên còn thời hạn do một số hướng dẫn viên di chuyển sang các địa bàn khác và nhiều doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh đóng cửa.
Hai năm trở lại đây, dịch COVID-19 ảnh hưởng khá nặng nề đến ngành du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng. Hướng dẫn viên du lịch là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất. Vì vậy, để kịp thời hỗ trợ theo đúng Nghị quyết 68/NQ-CP, Sở Du lịch tỉnh đã ban hành kế hoạch thông báo rộng rãi qua các kênh thông tin đến các hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn tỉnh ngay sau khi có sự hướng dẫn, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.
Theo ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, trước mắt những hướng dẫn viên đủ điều kiện theo hướng dẫn sẽ được ưu tiên chi trả trước. Với các trường hợp chưa đủ điều kiện như thiếu hợp đồng lao động do đơn vị lữ hành giải thể, thẻ hành nghề chưa kịp gia hạn do chưa tổ chức được lớp tập huấn… đơn vị sẽ tạo điều kiện cho các hướng dẫn viên bổ sung sau và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh có giải pháp hỗ trợ.
Dự kiến, Sở Du lịch tỉnh sẽ tổ chức các lớp học giãn cách (dưới 50 người) hoặc lớp học online bồi dưỡng hướng dẫn viên để tạo điều kiện cho các hướng dẫn viên gia hạn thẻ hoặc có thẻ để đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ.
Bảo đảm đúng đối tượng
Qua hơn 3 tuần triển khai đến nay, nhiều lao động ngừng việc, chấm dứt hợp đồng, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương của thành phố Huế và thị xã Hương Thủy đã nhận được tiền hỗ trợ theo Quyết định số 68/QĐ-CP. Qua thực hiện rà soát các đối tượng khó khăn, Ủy ban nhân dân các cấp huyện đã hướng dẫn nhiều người dân làm đơn đề nghị và trao hỗ trợ đến các nhóm lao động bị ảnh hưởng.
Ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trường mầm non tư thục nơi chị Lê Thị Thùy Trang (thành phố Huế) buộc phải tạm dừng hoạt động nhiều lần rồi đóng cửa. Sau khi được hướng dẫn, chị Trang làm đơn đề nghị và sớm được thông báo nhận tiền hỗ trợ. "Trong thời điểm khó khăn này, khoản tiền hỗ trợ từ Chính phủ và sự quan tâm của các cấp chính quyền có ý nghĩa rất lớn cả về vật chất lẫn tinh thần đối với gia đình tôi" - chị Trang bộc bạch.
Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ tối đa các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn hoàn tất thủ tục hồ sơ, đảm bảo giải quyết đầy đủ, kịp thời, đúng quy định chính sách hỗ trợ. Nhiều lao động và doanh nghiệp đã đến trực tiếp cơ quan Bảo hiểm xã hội để nộp hồ sơ xin hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Đến nay, trên 1.600 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn được hưởng chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp áp dụng từ 1/7/2020 đến 30/6/2022 với số tiền trên 36 triệu đồng. Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ cho 23 người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với tổng số tiền gần 22 triệu đồng.
Theo ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh đã tạm cấp kinh phí 22,41 tỷ đồng cho các sở, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố để kịp hỗ trợ cho các đối tượng. Việc hỗ trợ đảm bảo nhanh chóng, đúng đối tượng.
Nghị quyết số 68/NQ-CP đã quy định rất cụ thể từng chính sách của từng đối tượng. Vì vậy, việc triển khai thực hiện chi trả sẽ thuận lợi. Mặt khác, từ kinh nghiệm chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP vào năm 2020 nên các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương lần này không còn bỡ ngỡ, lúng túng.
Riêng chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác được giao về cho địa phương xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng và mức tiền hỗ trợ nên việc triển khai thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ tại cơ sở mỏng, kiêm nhiệm nhiều công việc dẫn đến việc hướng dẫn, tiếp dẫn và giải quyết hồ sơ cho người dân đôi lúc thiếu kịp thời.
Với phương châm "không để lại bị bỏ lại phía sau", các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực hết mình, sớm giải quyết nhanh gọn, tạo điều kiện tối đa để người lao động, các doanh nghiệp được động viên, chia sẻ khó khăn kịp thời bằng gói hỗ trợ của Chính phủ.