Sản phẩm rau an toàn của xã Văn Đức, huyện Gia Lâm (Hà Nội) vừa được gắn nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ bởi Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội và Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT). Hành động này không chỉ giúp người nông dân giải quyết đầu ra cho sản phẩm, mà còn giúp người tiêu dùng nhận diện được nguồn gốc xuất xứ của rau an toàn.
Quản lý chặt từng khâu
Nằm cách trung tâm Hà Nội 20 km, Văn Đức là xã thuần nông của huyện Gia Lâm. Đây là một trong những vùng sản xuất rau an toàn (RAT) lớn nhất của Hà Nội với tổng diện tích chuyên canh rau đạt 250 ha, trong đó diện tích rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 25 ha (Vietnamese Good Agricultural Practices - áp dụng các biện pháp sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm sạch và an toàn).
Dán nhãn cho sản phẩm rau an toàn xã Văn Đức, Gia Lâm. |
Tuy nhiên, từ trước tới nay, không chỉ riêng người trồng rau xã Văn Đức, mà dân trồng RAT ở nhiều địa phương vẫn phải “vật vã” tìm lối ra cho sản phẩm. Vì chi phí trồng rau cao hơn mà giá cả lại bấp bênh. Hơn nữa, người tiêu dùng chưa tin vào các sản phẩm RAT nên chưa “mặn mà” với các sản phẩm này.
“Trước đây, hầu hết các sản phẩm RAT của xã Văn Đức chỉ được đóng bao đơn giản, không có nhãn mác nên bị cạnh tranh quyết liệt bởi sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Chính vì vậy, việc dán nhãn nguồn gốc sẽ tạo điều kiện quảng bá thương hiệu, từ đó tạo đầu ra cho RAT của xã”, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Văn Đức cho biết.
Để sản xuất RAT, Đại diện Ban Quản lý HTX Văn Đức cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với chi cục BVTV lập ra sơ đồ các ruộng rau để dễ quản lý, tổ chức nông dân thành các nhóm, mỗi nhóm 20 – 30 người, bầu ra nhóm trưởng. Nhóm trưởng cùng với chi cục BVTV hướng dẫn nông dân sản xuất RAT theo đúng kỹ thuật”.
Bên cạnh đó, cán bộ chi cục BVTV còn giám sát quá trình sản xuất của người dân, báo cáo và tham mưu cho UBND xã xử lý các hộ dân vi phạm.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, một người dân thôn Trung Quang, rau có nhãn mác nguồn gốc, độ tin cậy về chất lượng sản phẩm sẽ cao hơn, tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Do đó, sẽ thuận tiện hơn cho người dân trong khâu tiêu thụ. Hơn nữa, RAT cũng được giá hơn rau thường.
Tuy nhiên, có một hạn chế là hiện nay trên địa bàn mới chỉ Công ty TNHH Hương Cảnh đầu tư xây dựng nhà sơ chế và đang ký hợp đồng bao tiêu rau thường xuyên cho 25 ha rau theo tiêu chuẩn VietGAP.
Nhân rộng từ năm 2012
Hà Nội là địa phương có diện tích và nhu cầu tiêu dùng lượng RAT lớn, toàn thành phố hiện có 12.000 ha diện tích canh tác rau, phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã. Chủng loại rau khá phong phú với trên 40 loại rau, năng suất trung bình đạt 20 tấn/ha/vụ, sản lượng ước đạt 570.000 tấn/năm, đáp ứng được 60% nhu cầu rau xanh của Thủ đô. Trong đó diện tích trồng RAT theo đúng quy trình đạt 3.225 ha, sản lượng khoảng 228.000 tấn/năm.
Để đảm bảo được uy tín cho sản phẩm RAT, “Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo triển khai chương trình kiểm soát rau theo chuỗi từ vùng đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT đến nơi tiêu thụ”, ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng quản lý chất lượng, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, cho biết.
Theo ông Thuận, thương hiệu RAT cần sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ sản xuất, hợp tác xã, đơn vị quản lý chuyên ngành và cả đầu mối tiêu thụ. Nếu làm tốt vấn đề này sẽ tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, nhưng nếu quản lý lỏng lẻo, đánh mất lòng tin của người tiêu dùng thì rất khó lấy lại.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Anh, Chi cục phó Chi cục BVTV Hà Nội cho biết, việc dán nhãn sẽ tiến hành cẩn thận, từng bước để đánh giá, nhân rộng. Việc này sẽ khuyến khích cả người sản xuất và phân phối nâng cao ý thức trách nhiệm, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Sau khi hoàn thiện các bước mới phân phối đến tận tay người tiêu dùng.
Trước mắt, trong năm 2011, Chi cục BVTV Hà Nội chỉ thực hiện thí điểm gắn nhãn RAT tại xã Văn Đức, từ nay tới cuối năm Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để triển khai tiếp chương trình, đồng thời đánh giá, rút kinh nghiệm để cải tiến và nhân rộng ra từ năm 2012.
Bài và ảnh: H.V