Theo báo cáo của ngành Y tế tỉnh, Thanh Hóa là 1 trong 4 tỉnh mà Thủ tướng Chính phủ công bố dịch COVID-19 (nCoV). Hiện tình hình dịch bệnh COVID-19 (nCoV) ở Thanh Hóa đã qua 21 ngày, trên địa bàn tỉnh chưa có tình trạng lây lan thứ phát. Từ đầu đợt dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1 bệnh nhân nhiễm COVID-19 (nCoV) đã khỏi và ra viện; 13 bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 (nCoV) (trong đó có 12 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 (nCoV), 1 bệnh nhân đang chờ kết quả, hiện đang được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Bỉm Sơn).
Liên quan đến trường hợp bệnh nhân đầu tiên của Thanh Hóa điều trị khỏi COVID-19 (nCoV), hiện N.T.Tr (25 tuổi, quê Yên Định, Thanh Hóa) đã ra viện được 13 ngày, sức khỏe ổn định, bình thường, nhưng ngành Y tế Thanh Hóa vẫn yêu cầu, động viên N.T.Tr tiếp tục cách ly tại nhà và chỉ quay trở lại Công ty ở tỉnh Vĩnh Phúc làm việc khi tỉnh Vĩnh Phúc công bố hết dịch. Hiện y tế địa phương vẫn đều đặn ngày 2 lần đến nhà của chị N.T.Tr để kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt cho chị N.T.Tr. và người nhà, cố gắng không để xảy ra tình hình bất ngờ…
Hiện tại Thanh Hóa có 5 bệnh nhân đi từ vùng dịch về đang được cách ly theo dõi tại bệnh viện, trong đó có 1 trường hợp người Thanh Hóa đi tàu biển từ Trung Quốc về Quảng Trị đang cách ly theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoằng Hóa; 3 người đi lao động về từ xã Sơn Lôi, huyện Bình Sơn (tỉnh Vĩnh Phúc) đang được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hậu Lộc…. Hiện sức khỏe của các trường hợp trên ổn định, chưa có dấu hiệu nguy hiểm.
Tính đến ngày 15/2, toàn tỉnh Thanh Hóa có 2.365 lao động từ Trung Quốc về được cách ly tại gia đình và 888 người Trung Quốc được cách ly tại doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, có 1.692 người đã qua 14 ngày không có dấu hiệu của bệnh dịch, hiện còn lại 915 lao động từ Trung Quốc về đang được cách ly tại gia đình; 646 người Trung Quốc được cách ly tại các doanh nghiệp. Hệ thống y tế Thanh Hóa vẫn giám sát, theo dõi hàng ngày tình trạng sức khỏe của các trường hợp lao động Thanh Hóa từ Trung Quốc về và số lao động Trung Quốc cách ly tại doanh nghiệp để kịp thời phát hiện các trường hợp bệnh, xử lý triệt để dứt điểm ngay từ khi có người bệnh nghi ngờ…
Để phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 (nCoV), ngành Giáo dục Thanh Hóa đã có công văn cho hơn 800.000 học sinh các cấp học trong tỉnh tiếp tục nghỉ học đến khi có thông báo lại. Hiện 100% cơ sở giáo dục ở Thanh Hóa đã tiến hành phun khử khuẩn, vệ sinh môi trường học đường. Ngành Giáo dục cũng ghi nhận không có cán bộ, giáo viên, học sinh nào đã đến và đi từ vùng dịch, cũng như nghi nhiễm dịch COVID-19 (nCoV) gây ra. Suốt trong quá trình 2 tuần học sinh nghỉ học, ngành Giáo dục Thanh Hóa đã chỉ đạo toàn bộ giáo viên trên địa bàn vẫn đến trường làm công tác dọn vệ sinh trường lớp mỗi ngày.
Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục công tác giám sát, cách ly, điều trị người nghi nhiễm COVID-19 (nCoV), đảm bảo tất cả những người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh phải được phát hiện sớm, nhanh chóng lấy mẫu bệnh phẩm và gửi làm xét nghiệm để xác định chẩn đoán, đồng thời cách ly, theo dõi, điều trị tại bệnh viện đa khoa để không lây lan, phát tán mầm bệnh… Hệ thống y tế Thanh Hóa sẽ tiếp tục triển khai phòng chống dịch COVID-19 (nCoV) với phương châm: Cách ly, giám sát, truyền thông, 4 tại chỗ và điều trị.
Tăng cường giám sát dịch bệnh trên động vật đến tận thôn, bản
Liên quan đến tình hình dịch bệnh động vật gồm cúm gia cầm, bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng gia súc, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, bệnh cúm gia cầm A/H5N6 đã xảy ra tại 25 hộ chăn nuôi ở 7 xã, 5 huyện gồm: Nông Cống, Quảng Xương, Vĩnh Lộc, Như Xuân, Thành phố Thanh Hóa làm 3.902 con gia cầm mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy 28.582 con gia cầm. Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 25.633 hộ của 2.234 thôn, 457 xã của 27/27 huyện, thị, thành phố, buộc phải tiêu hủy 214.204 con lợn với trọng lượng 14.390 tấn. Đến nay Thanh Hóa có 17 huyện, 420 xã công bố hết dịch tả lợn châu Phi, còn 10 huyện, 37 xã chưa công bố hết dịch. Bên cạnh đó từ đầu tháng 2/2020, bệnh lở mồm long móng đã xảy ra tại 17 hộ chăn nuôi làm 98 con trâu bò mắc bệnh.
Để chủ động ngăn chặn, khống chế hiệu quả dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng… tỉnh Thanh Hóa sẽ tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản nhằm phát hiện và xử lý sớm các ổ dịch trên động vật, đặc biệt là dịch cúm gia cầm.
Các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai ngay công tác tiêm vắc xin gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2002 đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch, đám ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là vắc xin cúm gia cầm phải hoàn thành trước ngày 28/2. Ngành Nông nghiệp và các địa phương chủ động hướng dẫn chủ chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm, cũng như thường xuyên vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại nhằm triệt để nguồn lây bệnh…
Quyết liệt phòng, chống dịch bệnh
Phát biểu tại buổi họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng biểu dương những cố gắng của ngành Y tế Thanh Hóa trong công tác phòng, chống dịch cũng như điều trị thành công ca bệnh đầu tiên của Thanh Hóa nhiễm COVID-19 (nCoV). Đồng thời yêu cầu ngành Y tế, các sở, ban, ngành và 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát hiện sớm, phản ứng nhanh và khoanh vùng gấp dịch bệnh COVID-19 (nCoV) ngay từ khi dịch bệnh còn ở phạm vi nhỏ, không để dịch lây lan thứ phát ra cộng đồng.
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương cần làm tốt khâu vệ sinh, tiêu độc khử trùng ở những vùng nguy cơ cao, tập trung đông người theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế. Thường xuyên cập nhật thông tin, truyền thông từ tỉnh đến huyện, đến xã để người dân nắm được, bình tĩnh, chủ động nắm chắc tình huống, cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này trên địa bàn tỉnh. Nếu địa phương nào lơ là, không làm tốt công tác phát hiện, giám sát, phân loại nguy cơ, khống chế các nguồn lây từ hệ thống cấp thôn, xã thì Chủ tịch UBND xã đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND tỉnh.
Hiện cúm gia cầm H5N6 đang lây lan nhanh; dịch tả lợn châu Phi sau 1 năm xảy ra trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay, tỉnh đã hỗ trợ gần 600 tỷ cho người chăn nuôi. Tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, phấn đấu trong tháng 2 sẽ chặn đứng H5N6; đến cuối tháng 2 không phát sinh ổ dịch tả lợn châu Phi mới và đến 30/3 Thanh Hóa công bố hết dịch.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, trong vòng 5 ngày tới, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải hoàn thành công tác tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm, trong đó đặc biệt lưu ý những địa phương đã xảy ra dịch. Huyện nào tiêm phòng chậm, tỷ lệ thấp, để lây lan dịch bệnh thì Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời các địa phương phải làm tốt khâu tuyên truyền cũng như các biện pháp đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giám sát tốt vấn đề nhập giống, nhập thức ăn, mua bán, vận chuyển, giết mổ…